Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 14/7, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi nói rằng đồng euro mạnh lên sẽ tác động bất lợi lên đà phục hồi còn "loạng choạng" tại 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Lời phát biểu của Chủ tịch ECB được đưa ra vào thời điểm đà phục hồi vốn mong manh ở châu Âu đang chững lại. Số liệu vừa công bố cho thấy sản lượng công nghiệp tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng Năm vừa qua giảm 1,1%. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đồng euro mạnh lên sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoài một loạt biện pháp mà ECB đã công bố hôm 8/5, ông Draghi không công bố biện pháp mới nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy lạm phát đi lên.
Thị trường dường như phớt lờ lời phát biểu của người đứng đầu ECB và đồng euro vẫn giao dịch ở mức 1 euro đổi được khoảng 1,36 USD, tức là thấp hơn mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua mà đồng tiền này đã chạm tới trước đó là xấp xỉ 1,4 USD.
Ông Draghi nói rằng mặc dù cho đến nay chưa đề ra được mục tiêu nào cho tỷ giá đồng euro, nhưng ECB sẽ tiếp tục giám sát tác động của việc đồng euro mạnh lên, bởi nó sẽ tác động đến lạm phát, vấn đề được ECB hết sức quan tâm hiện nay. Ông nhấn mạnh tỷ giá vẫn là yếu tố quan trọng chi phối lạm phát của Eurozone trong tương lai. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, đồng euro mạnh lên sẽ là nguy cơ đe dọa mức độ bền vững của đà phục hồi kinh tế trong khu vực.
Trình bày về khả năng tiến hành chương trình mua tài sản, ông Draghi nhắc lại tuyên bố của cuộc họp trước rằng ECB sẵn sàng triển khai các biện pháp khác thường này nếu triển vọng lạm phát xấu đi, tức là vẫn cách xa mục tiêu lạm phát dưới 2% mà ECB đã đề ra.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng Chủ tịch Draghi và ECB đều không sẵn sàng thực hiện biện pháp này, một phần do còn vướng phải các vấn đề về kỹ thuật như cách thức mua cũng như chọn mua tài sản nào tại Eurozone.
Trong báo cáo thường kỳ về Eurozone công bố ngày 14/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị ECB nên tiến hành mua nợ của chính phủ các nước thành viên, nhằm giảm lãi suất trái phiếu chính phủ, đồng thời tăng giá trị cổ phiếu và trái phiếu công ty, cũng như đẩy nhu cầu và lạm phát trên toàn khu vực đi lên./.