Đồng Tháp nâng chất lượng cá tra giống phục vụ vùng nuôi

Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; trong đó có 76 cơ sở sản xuất giống và 1.104 cơ sở ương dưỡng, cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Thu hoạch cá tra đưa về nhà máy chế biến của Tập đoàn Sao Mai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp sản xuất được 3,3 tỷ con cá tra bột, cá tra hương và cá tra giống, đa số cá tra giống đạt chất lượng cao phục vụ vùng nuôi trong tỉnh và xuất bán ra các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.180 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; trong đó có 76 cơ sở sản xuất giống và 1.104 cơ sở ương dưỡng. Vùng sản xuất giống cá tra chủ yếu tập trung ở các huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

Cá tra giống ở tỉnh Đồng Tháp cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh và cung cấp ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, ứng dụng kết quả của nghiên cứu chọn tạo cải thiện di truyền tính trạng tăng trưởng cao cho con cá tra.

Tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp nhận và chuyển giao 107.970 con cá tra cải thiện di truyền cho 17 cơ sở sản xuất giống cá tra đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh để nhân giống cá tra giống có tính trạng tăng trưởng nhanh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, trong sản xuất và chế biến ngành hàng cá tra đã áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ giảm giá thành và nâng cao giá trị gia tăng như cải thiện di truyền cá tra bố mẹ, nâng cao tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ philê và tăng khả năng kháng bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với chế biến, ngành hàng cá tra đã phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu, collgen, genlatin, bơ cá, dầu cá, da cá sấy khô và các sản phẩm khác.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh có diện tích hơn 800ha nuôi cá tra giống. Để có giải pháp phát triển chất lượng cá tra giống, tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác-liên kết-thị trường” để giảm rủi ro; khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các hội quán; tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn; tăng bước thay thế đàn cá bố mẹ địa phương bằng đàn cá tra được chọn giống tăng trưởng nhanh; phổ biến quy trình sản xuất giống có chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường đến các cơ sở ương dưỡng, cơ sở sản xuất bột.

Để đảm bảo nguồn con giống có chất lượng tốt và từng bước thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương đang có dấu hiệu bị thoái hóa. Trong giai đoạn 2022-2025, ngành chuyên môn đề xuất Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp tục chuyển giao cho tỉnh 90.000 con cá tra hậu bị chọn giống mang tính trạng tăng trưởng nhanh, tỷ lệ philê cao và kháng bệnh để chuyển giao các cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện sản xuất theo quy định.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp nâng cao chất lượng cá tra giống, phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục