Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD mất giá trên thị trường châu Á sau khi giới đầu tư nhận định rằng báo cáo mới công bố về mức tăng lương yếu của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng nước này và làm chậm lại thời điểm nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tại Singapore, đồng bạc xanh đổi được 118,13 yen/USD, giảm so với mức 118,46 yen/USD ở New York trong phiên cuối tuần trước (9/1).
Trong khi đó, đồng tiền chung châu Âu được giao dịch ở mức 1,1856 USD/euro, tăng so với mức 1,1842 USD/euro tại Mỹ trước đó. Còn tỷ giá euro/yen đứng ở mức 140,04 yen/euro, so với mức 140,29 yen/euro phiên 9/1.
Thị trường Tokyo của Nhật Bản phiên 12/1 đóng cửa nghỉ lễ.
Theo thông báo ngày mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng cuối cùng của năm 2014 đã tạo được 252.000 việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp tháng 12/2014 giảm xuống 5,6%, so với mức 5,8% của tháng 11/2014. Tuy nhiên, mức tăng lương cơ bản tính theo giờ, một chỉ số đo đạc “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ, giảm mạnh so với con số của tháng 11 và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Một số nhà phân tích nhận định thị trường phản ứng mạnh với mức tăng lương yếu trên do nhân tố này ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu tiêu dùng của Mỹ.
Bên cạnh đó, báo cáo trên có thể khiến Fed đẩy lùi thời điểm tăng lãi suất (mà giới phân tích cho rằng có khả năng rơi vào tháng 4/2015), khiến đồng USD kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến phiên họp chính sách ngày 22/1 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tìm kiếm “manh mối” về quy mô của chương trình nới lỏng định lượng (QE). Đây được coi là một trong những nỗ lực của ECB trước nguy cơ Eurozone rơi vào giảm phát.
Trong phiên giao dịch cùng ngày, đồng USD cũng giảm giá so với nhiều đồng tiền khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, đồng won của Hàn Quốc đã cán mức cao nhất trong hơn hai tháng so với đồng USD. Cụ thể, đồng won được giao dịch với giá 1.081,4 won/USD, mức cao nhất kể từ ngày 4/11/2014./.