Đồng USD tiếp tục giữ vai trò là đồng tiền thống trị ngoại hối

Đồng USD tiếp tục giữ vai trò là đồng tiền thống trị hoạt động ngoại hối và tài trợ quốc tế, thể hiện qua tỷ trọng của đồng tiền này trong các giao dịch ngoại hối.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngày 29/9, cho biết tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD tiếp tục ở mức 58,9% trong quý 2/2023, không đổi so với quý trước đó.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng thông báo trong cùng quý, các yêu cầu bồi thường bằng đồng USD đã tăng 0,8% lên 6.576 tỷ USD so với quý trước đó, nhưng vẫn giảm 1% nếu so với cùng kỳ của năm ngoái.

Sau đồng USD, tỷ trọng của đồng euro, trong quý 2/2023, tăng nhẹ lên 19,9%, từ mức 19,8% của ba tháng trước đó và các yêu cầu bồi thường bằng đồng euro tăng 1% so với quý trước, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

[Đồng USD trên đà khép lại quý 3 với mức tăng mạnh nhất trong năm]

Chuyên gia Michael Langham, nhà phân tích thị trường mới nổi tại công ty Abrdn, nhận định đồng USD tiếp tục giữ vai trò là đồng tiền thống trị hoạt động ngoại hối và tài trợ quốc tế, thể hiện qua tỷ trọng của đồng tiền này trong các giao dịch ngoại hối.

Tuy nhiên, ông Lanngham cho rằng xét về dài hạn, tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ quốc tế có "xu hướng giảm dần," giảm hơn 10 điểm phần trăm trong 20 năm qua.

Theo chuyên gia của Abrdn, phần lớn sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch dự trữ sang đa dạng các loại tiền tệ của một số thị trường phát triển khác, chẳng hạn như đồng euro, bảng Anh, dollar Canada và dollar Australia.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã giành được một phần trong dự trữ quốc tế, nhưng ở mức rất thấp.

Điều đó nói lên rằng có rất nhiều rủi ro đe dọa sự thống trị của đồng USD.

Theo dữ liệu của IMF, tỷ trọng dự trữ tiền tệ của đồng nhân dân tệ đã giảm xuống 2,4% trong quý 2/2023, từ mức xấp xỉ 2,6% trong quý đầu năm nay. Vào cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này là 2,8%.

Sự sụt giảm là do lượng nắm giữ đồng nhân dân tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức Ngân hàng Trung ương) đã giảm gần 5% xuống còn 274,10 tỷ USD.

Cũng trong quý 2/2023, tỷ trọng của đồng yen của Nhật Bản ổn định ở mức 5,4%, thấp hơn không đáng kể so với khoảng 5,5% trong quý 1/2023.

Tính theo đồng USD, dự trữ đồng yen giảm 1,2% xuống còn 602,86 tỷ USD.

Dữ liệu của IMF cũng cho thấy tổng dự trữ toàn cầu đã tăng lên 12.055 tỷ USD trong quý 2/2023, từ mức 12.028 tỷ USD của quý 1/2023.

Trước đó trong quý 4/2021, dự trữ toàn cầu đạt kỷ lục 12.920 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục