Đồng yen yếu buộc Nhật Bản cắt giảm kế hoạch chi tiêu quân sự lịch sử

Theo Reuters, kể từ khi kế hoạch chi tiêu quốc phòng lịch sử trị giá 43.500 tỷ yen được Nhật Bản công bố, đồng yen đã mất 10% giá trị so với đồng USD, buộc Tokyo giảm kế hoạch mua sắm đầy tham vọng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 được triển khai tại Trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Thủ đô Tokyo, ngày 14/4/2016. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, sự sụt giá của đồng yen đang buộc Nhật Bản phải thu hẹp quy mô kế hoạch chi tiêu quốc phòng 5 năm trị giá 43.500 tỷ yen.

Các nguồn tin cho biết kể từ khi kế hoạch lịch sử được công bố vào tháng 12, đồng yen đã mất 10% giá trị so với đồng USD, buộc Tokyo phải giảm kế hoạch mua sắm quốc phòng đầy tham vọng, được tính toán vào thời điểm đó là 320 tỷ USD.

Reuters đã phỏng vấn ba quan chức Chính phủ nắm kiến thức trực tiếp về mua sắm quốc phòng và năm nguồn tin trong ngành. Những nguồn tin này cho biết Nhật Bản sẽ bắt đầu cắt giảm việc mua sắm máy bay vào năm 2024 - năm thứ hai của kế hoạch nói trên, do đồng yen yếu.

Thông tin chi tiết về việc Nhật Bản cắt giảm mua sắm quân sự do biến động tiền tệ chưa được báo cáo. Các nguồn tin trên - những người đã tham dự nhiều cuộc họp về việc mua sắm - đều yêu cầu giấu tên.

Theo các nguồn tin, Tokyo giả định tỷ giá hối đoái là 108 yen đổi 1 USD - tỷ giá được giao dịch lần cuối vào mùa Hè năm 2021 - khi họ bắt đầu xây dựng kế hoạch mua sắm vào tháng 12. Đến đầu tháng 11, đồng tiền này giảm giá trị, khiến Nhật Bản phải bỏ ra 151 yen mới đổi được 1 USD.

Ngân hàng Nhật Bản hôm thứ Ba tuần trước đã thực hiện một bước nhỏ hướng tới việc chấm dứt gói kích thích tiền tệ kéo dài hàng thập kỷ - vốn đã khiến đồng yen mất giá - bằng cách điều chỉnh các biện pháp kiểm soát lợi suất trái phiếu.

Một quan chức Chính phủ cho biết không giống như các công ty lớn kinh doanh ở nước ngoài, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không phòng ngừa trước những biến động tỷ giá tiền tệ. Điều này đồng nghĩa họ có rất ít biện pháp để giảm thiểu chi phí tăng lên bằng đồng yen của tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

[Nhật Bản cam kết tăng cường khả năng phòng thủ trong 5 năm tới]

“Hiện tại, tác động còn khiêm tốn. Nhưng chắc chắn việc đồng yen mất giá trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Nhật Bản, buộc cắt giảm và trì hoãn các thương vụ quan trọng” - Reuters dẫn lời Johnstone, cựu Giám đốc Hội đồng An Ninh Quốc gia phụ trách Đông Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay họ không thảo luận chi tiết về kế hoạch mua sắm khi được liên hệ để bình luận. Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo cho biết họ không thể đưa ra bình luận, trong khi Lầu Năm Góc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mô tả việc xây dựng lực lượng phòng thủ lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ Hai là một “bước ngoặt trong lịch sử.”

Vào tháng 12, ông Kishida cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hàng năm lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - động thái nhằm đưa Nhật Bản thành quốc gia có khả năng chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới, được các nhà lập pháp và phân tích cho là không thể xảy ra cho đến hai năm trước.

Các nguồn tin cho hay với việc cắt giảm khả năng chi tiêu, Nhật Bản quyết định ưu tiên chi tiêu cho các vũ khí tiền tuyến tiên tiến do Mỹ sản xuất, như tên lửa. Điều đó đồng nghĩa sẽ có ít tiền hơn cho máy bay hỗ trợ và các bộ phụ kiện thứ cấp khác - phần lớn do các công ty Nhật Bản sản xuất.

Hai nguồn tin cho biết vào tháng 12, các quan chức Bộ Quốc phòng đã thảo luận về đơn đặt hàng 34 máy bay trực thăng vận tải Chinook hai cánh quạt với giá khoảng 15 tỷ yên mỗi chiếc.

Máy bay trực thăng vận tải Chinook CH-47F của quân đội Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong yêu cầu ngân sách quốc phòng cho năm bắt đầu từ tháng 4/2024 được công bố hồi tháng Tám, đơn đặt hàng đó đã giảm một nửa - xuống còn 17 chiếc - vì chi phí của mỗi chiếc máy bay đã tăng khoảng 5 tỷ yên mỗi chiếc kể từ tháng 12.

Một nguồn tin Chính phủ cho hay khoảng một nửa mức tăng đó là do đồng yen yếu.

Máy bay được lắp ráp bởi Kawasaki Heavy Industries theo giấy phép của Boeing Co. Người phát ngôn của Kawasaki xác nhận rằng việc tăng đơn giá đã dẫn đến việc giảm đơn đặt hàng Chinook.

Nhật Bản cũng hủy bỏ kế hoạch mua hai thủy phi cơ ShinMaywa Industries US-2 dùng cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn sau khi giá mỗi chiếc máy bay tăng gần gấp đôi lên 30 tỷ yên so với ba năm trước, hai người nguồn tin cho hay.

Người phát ngôn của Công ty cho biết: “Giá đã tăng đáng kể, đó là do đồng yen yếu hơn và lạm phát đã đẩy chi phí lên đáng kể.” Bà từ chối bình luận về việc liệu Bộ Quốc phòng có hủy đơn đặt hàng thủy phi cơ hay không.

Theo Reuters, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng xác nhận các công ty đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara vào ngày 25/10, kêu gọi Chính phủ tiến hành mua sắm quốc phòng theo kế hoạch.

Kevin Maher tại NMV Consulting ở Washington, người đứng đầu Văn phòng Nhật Bản tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng các công ty quốc phòng sẽ gặp khó khăn để có thêm tiền vì Chính phủ [Nhật Bản] sẽ muốn trì hoãn việc bổ sung vào kế hoạch 43.000 tỷ yên để xem liệu tình hình tiền tệ có thay đổi hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục