Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc cần sớm gỡ vướng đất rừng

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc đi qua địa phận 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, có tổng diện tích đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án là 106,05ha.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệm ưu tiên xem xét hồ sơ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án) tại Văn bản 431 ngày 15/3/2023, trong quá trình thực hiện dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục xin chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, có tổng diện tích đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án là 106,05ha thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ các quy định pháp luật về thẩm quyền, điều kiện và trình tự chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng,  Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã có tờ trình đề nghị thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lấy ý kiến thẩm định các bộ, ngành liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp các ý kiến, có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh đề nghị tiếp thu, giải trình và làm rõ; theo đó, ủy ban nhân dân các tỉnh đã có các báo cáo giải trình và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện dự thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng vào tháng 8/2022.

Tuy nhiên, ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; ngày 26/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 61/2022/QH15; tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 4/11/2022; trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có các văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết nêu trên; trong đó hướng dẫn thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ, thủ tục và ban hành các Nghị quyết, Quyết định đối với việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

[Tăng 700 tỷ đồng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc]

Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã triển khai thi công trên hiện trường. Tuy nhiên, các gói thầu đều gặp khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng do đặc thù của dự án là địa hình miền núi, phạm vi thi công các gói thầu hầu hết đều có diện tích thu hồi đất rừng. Bên cạnh đó, đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiệp định vay vốn sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2025, theo đó yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024.

"Nếu công tác chuyển mục đích sử dụng rừng không được hoàn thành sớm để đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu trong đầu quý 2/2023 thì dự án sẽ khó đáp ứng được tiến độ yêu cầu," Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đang hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp để sớm trình thẩm định, phê duyệt.

"Do tiến độ yêu cầu rất cấp bách, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, ưu tiên xem xét tách hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án để thẩm định, hoàn tất các thủ tục đồng thời với quá trình các địa phương hoàn thiện hồ sơ và hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án," Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện để đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho hay, tính đến nay đã có 8/11 gói thầu của dự án đã được triển khai thi công trên công trường. Hiện tiến độ đang bị ảnh hưởng rất lớn vì không có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công.

Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc khởi công vào 27/12/2021 gồm 2 tuyến, gồm tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội-Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội-Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và tăng cường khả năng kết nối khu vực, đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ; phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch và công nghiệp; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia tại các tỉnh miền núi phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục