Dự án thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai lại trễ hẹn

Theo kế hoạch, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 được tổ chức thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023, thế nhưng, hiện nhiều gói thầu của dự án vẫn đang dang dở.
Dự án thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai lại trễ hẹn ảnh 1Những đoạn đường thi công cẩu thả gây mất an toàn giao thông của các nhà thầu thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

"Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 bao giờ mới hoàn thành?" là câu hỏi được nhiều cử tri tỉnh Gia Lai đặt ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri với người dân dọc tuyến Quốc lộ 19.

Thực tế, hiện việc thi công đang rất ngổn ngang, dang dở.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 có chiều dài 126km (đoạn qua tỉnh Gia Lai) và 17km (đoạn qua tỉnh Bình Định) với tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

[Quốc lộ 19 nối Gia Lai-Bình Định có nguy cơ chậm tiến độ]

Theo kế hoạch, dự án được tổ chức thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Thế nhưng, hiện nhiều gói thầu của dự án vẫn đang dang dở, nhất là gói thầu XL4A đoạn từ thành phố Pleiku đi Mang Yang.

Ghi nhận thực tế trên tuyến Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai cho thấy ở tất cả các gói thầu, số lượng máy móc, phương tiện và con người tham gia thi công dự án rất ít.

Nhiều khu vực cầu, cống đã được các nhà thầu đào, múc sâu, rào chắn xung quanh rồi để đó.

Số ít đoạn có sự xuất hiện của phương tiện, máy móc thực hiện thi công nhưng cũng với tình trạng thi công cầm chừng.

Đặc biệt, tại gói thầu XL4A hầu như đã "vắng bóng" đơn vị thi công.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Gia Lai dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2023, song nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng; trong đó, gói thầu XL4A (từ Km131+300-Km155+00, địa bàn huyện Đak Đoa) dài 24km do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến (tỉnh Hà Nam) và Công ty cổ phần Vinadelta (Hà Nội) liên danh trúng thầu đang chậm tiến độ nặng nề.

Cũng tại gói thầu này, ngày 4/7, Công ty Thanh Tùng Bailey đã có công văn lần hai gửi Ban quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Lan Linh cùng các đơn vị liên quan về việc thu hồi công trình cầu Vàng ở huyện Đak Đoa, cầu Linh Nham ở huyện Mang Yang (các vị trí thuộc Dự án nâng cấp Quốc lộ 19, đoạn qua tỉnh Gia Lai) với lý do nợ tiền thuê cầu tạm với số tiền 183 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Lan Linh cũng bị "tố" nợ tiền lương công nhân, người lao động thực hiện thi công gói thầu XL4A.

Bên cạnh đó, đoạn tuyến từ Pleiku đến thị xã An Khê nhiều hạng mục của dự án vẫn rơi vào cảnh thi công cầm chừng, hoàn thiện xong mặt bằng rồi để đó.

Việc thi công dang dở đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông trên tuyến.

Không chỉ ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông, việc thi công ì ạch, dang dở tại ở nhiều gói thầu khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Nhất là khi Gia Lai đang là mùa mưa, hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến Quốc lộ 19 chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tình cảnh mưa thì lầy lội, nắng lại bụi cứ lặp đi lặp lại khiến người dân phải bức xúc, phản ánh và kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương.

Việc thi công chậm tiến độ, nhiều gói thầu trong quá trình thi công không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia trên tuyến nên đã bị Khu Quản lý Đường bộ III đã nhiều lần kiểm tra và nhắc nhở.

Theo Khu Quản lý Đường bộ III, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa nhưng việc đảm bảo an toàn giao thông khi đang thi công trên đường vẫn còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục.

Mặt đường một số đoạn phát sinh ổ gà chưa được vá sửa như Km52+200, Km59-Km59+040, Km+350, Km59+380, Km140-Km142+100, Km148+400-Km149...

Các đoạn thi công đào nền đường thiếu rào chắn, cọc tiêu, biển báo, dây giăng, không có đèn cảnh báo vào ban đêm, không bố trí người trực gác đảm bảo giao thông để sửa chữa cọc tiêu, biển báo ngã đỗ...

Điển hình các đoạn Km139-Km139+400, Km139+900-Km140+700, Km151-Km152...

Các vị trí thi công cống ngang đường đã xử lý mặt bê tông nhựa nhưng qua khai thác bị dồn lún, gây nguy hiểm mất an toàn như cống Km139+900, cống Km142+900...

Một số đoạn chưa thi công xong hệ thống rãnh dọc, cửa xả gây đọng nước trên đường, chảy nước vào vườn nhà dân gây bức xúc trong người dân sống hai bên quốc lộ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19, nguyên nhân chậm tiến độ của Dự án là do vướng mặt bằng ở hai tỉnh Bình Định, Gia Lai tương đối nhiều.

Như tại huyện Đăk Pơ hiện giờ còn đang vướng 3 hộ, thành phố Pleiku 3 hộ, tại huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ còn rải rác, có một số hộ chưa thống nhất với phương án đền bù.

Các vướng mắc này chủ yếu ảnh hưởng mặt bằng thi công như thi công rãnh, một số công trình phụ trợ...

Bên cạnh đó, còn có khó khăn về vật liệu do trên địa bàn tỉnh Gia Lai sau ngày 22/12/2022 tạm dừng cấp mới cũng như gia hạn các mỏ vật liệu. Vì thế, nhiều gói thầu thiếu vật liệu đất đắp nền.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục