Dự báo thế giới 2020: Chuyển động của quan hệ Mỹ-Triều

Ngoại giao Mỹ-Triều có thể mang lại hiệu quả nếu Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị gần đây nhất của phía Mỹ, và quan trọng là Washington nên thực tế hơn trong các yêu sách của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ) ngày 30/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Diplomat mới đây đăng bài viết có tiêu đề “Chuyển động của quan hệ Mỹ-Triều Tiên năm 2020 sẽ không quay trở về năm 2017,” trong đó cho rằng ngoại giao Mỹ-Triều có thể mang lại hiệu quả nếu Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị gần đây nhất của phía Mỹ, và quan trọng là Washington nên thực tế hơn trong các yêu sách của mình.

Theo bài viết, đã đến lúc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Khi đến thăm Hàn Quốc vào trung tuần tháng 12/2019, đặc phái viên của Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun nói rằng “đây là khoảng thời gian để chúng ta thực hiện công việc của mình.”

Theo ông, “nên tạo dựng hòa bình" và "hãy để chúng tôi thực hiện điều này. Chúng tôi đang ở đây và các bạn biết làm thế nào để tiếp cận chúng tôi.”

Tất cả những phát biểu trên có thể đưa thế giới tới gần hòa bình hơn nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đàm phán để đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, phát biểu tại Liên hợp quốc trong tháng 12/2019, đại sứ Triều Tiên đã nói rằng trong tương lai gần, phi hạt nhân hóa khó có thể đạt được. Lập luận của Bình Nhưỡng rất đơn giản, đó là nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn duy trì quyền lực.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, ông Kim Jong-un từng nói rằng vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để đảm bảo an ninh chống lại sự can thiệp của quân đội nước ngoài.

Ông Kim Jong-un đặc biệt lo sợ về sự can thiệp của Mỹ khi chứng kiến Washington lật đổ chính quyền Saddam Hussein tại Iraq và chính quyền Muammar Gaddafi tại Libya, đúng lúc hai nhà lãnh đạo này từ bỏ vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của phương Tây.

Việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược (CVID) mà Washington yêu cầu không phải là một lựa chọn ngắn hạn - điều đó có nghĩa là các nhà ngoại giao Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu mục đích của họ là đạt được CVID trong một thời gian ngắn.

Việc Triều Tiên kiên quyết không chấp nhận CVID trong ngắn hạn đã khiến vòng đàm phán mới của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ngay "từ trong trứng nước."

Tình hình có thể tiếp tục xấu đi nếu Mỹ chấp nhận cùng chung sống với một Triều Tiên sở hữu hạt nhân giống như trong hơn một thập kỷ qua, song cũng có thể chẳng hề hấn gì nếu hai bên cùng tồn tại như vậy trong nhiều thập kỷ tới bởi sức mạnh hạt nhân nói chung của Mỹ mạnh hơn rất nhiều so với của Triều Tiên.

Dù Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân để ưu tiên cho sự sống còn của chế độ thì cũng không bao giờ đuổi kịp sức mạnh hạt nhân của Mỹ.

Triều Tiên sẽ không khởi động một cuộc tấn công phủ đầu vô cớ nhằm vào Mỹ hay các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản.

[Vòng luẩn quẩn của câu chuyện hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên]

Như vậy có nghĩa là dù quan hệ Mỹ-Triều bế tắc trong nhiều năm thì đó cũng không phải là một điều quá tồi tệ.

Rủi ro đối với vấn đề Triều Tiên lúc này không phải là các cuộc đàm phán thất bại, mà là tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Thay vì bước vào một giai đoạn ngoại giao mới đầy triển vọng vào năm 2020, tình hình lại quay trở về leo thang căng thẳng giống như năm 2017, khi các nhà ngoại giao Mỹ bỏ qua những nội dung như "đóng băng" các cơ sở hạt nhân, đồng ý một hiệp ước hòa bình cho Chiến tranh Triều Tiên, cải thiện quan hệ với Triều Tiên hoặc bình thường hóa từ từ đối với quốc gia này, thay vào đó chỉ tập trung vào CVID hoặc phớt lờ các đề nghị từ Bình Nhưỡng.

Điều này có thể khiến một chu kỳ khiêu khích mới lại bắt đầu, và đặc biệt hai bên không những khẩu chiến mà còn chiến tranh thực sự.

Mục tiêu CVID của Mỹ với Triều Tiên có thể nói là nguy hiểm, tuy nhiên nếu xét về mục đích cuối cùng mà nó hướng tới là phi hạt nhân hóa thì điều này hoàn toàn hợp lý.

Quan điểm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là nhằm tránh một cuộc chiến tranh có thể đe dọa tính mạng hàng triệu người, bên cạnh đó là sự tàn phá kinh tế của cả thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề là không nên đặt Kim Jong-un vào vị trí mà ông cảm thấy không còn gì để mất.

Về lâu dài, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể bao gồm CVID. Tuy nhiên trong ngắn hạn, điều này sẽ khó có thể xảy ra.

Tổng thống Trump và các nhà ngoại giao Mỹ phải chấp nhận điều đó và kiềm chế những tham vọng lớn đối với Triều Tiên, từ đó có những đàm phán phù hợp. Có thế, một khởi đầu mới cho Mỹ và Triều Tiên mới thực sự bắt đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục