Dự báo tương lai của mối quan hệ giữa Australia và Indonesia

Việc chính quyền Mỹ chủ động mời ông Prabowo Subianto đến thăm và dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh có liên quan nhiều đến quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc và việc Washington sự ủng hộ của Indonesia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Tờ The Diplomat ngày 26/10 đăng bài viết có tựa đề “Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương Indonesia-Australia."

Nội dung như sau:

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã có chuyến thăm Mỹ để gặp gỡ các quan chức quốc phòng hàng đầu của Tổng thống Donald Trump.

Các phương tiện truyền thông tại Australia hầu như không đề cập đến chuyến thăm này, rất ít người biết hoặc quan tâm đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia công du đến Mỹ. Đây có thể là một sai lầm vì việc Australia không theo sát để có những đánh giá về chuyến thăm sẽ dẫn đến những hạn chế trong việc đưa ra các dự báo, mức độ ảnh hưởng đối với các vấn đề lớn trong khu vực, đặc biệt là quan hệ của Indonesia với các nước, trong đó có Australia.

Trong chuyến thăm Mỹ, ông Prabowo Subianto đã gặp người đồng cấp Mark Esper để thảo luận về các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực. Tuy nhiên, chuyến thăm đã nêu bật những thách thức ngoại giao đối với Australia do lịch sử của bản thân cựu trung tướng quân đội Prabowo Subianto và các kế hoạch tương lai của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Năm 1998, ông Prabowo Subianto bị buộc phải giải ngũ một cách đáng tiếc sau những hành động đàn áp tàn bạo ở Timor Leste và bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động bắt cóc và tra tấn dã man các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trong vụ lật đổ Tổng thống Suharto lúc bấy giờ.

Những hành vi vi phạm bị cáo buộc này của ông Prabowo Subianto chưa bao giờ được chứng minh tại tòa án Indonesia, nhưng Mỹ dựa trên những bằng chứng chắc chắn đã ban hành lệnh cấm ông Prabowo Subianto nhập cảnh vào Mỹ dưới mọi hình thức.

Khi đó, Chính phủ Australia đã thực hiện một lệnh cấm tương tự đối với ông Prabowo Subianto và kéo dài lệnh cấm cho đến năm 2014, khi Australia dự đoán rằng ông Prabowo Subianto có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia.

Với nhận định trên, để dọn đường cho quan hệ hai nước, chính phủ Australia đã âm thầm gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với ông Prabowo Subianto.

Tuy nhiên, không như phía Australia dự đoán, ông Prabowo Subianto đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia năm 2014. Người thắng cuộc và giành vị trí tổng thống Indonesia là ông Joko Widodo, hay còn thường được gọi là Jokowi.

Tại cuộc bầu cử năm 2019, ông Prabowo Subianto một lần nữa thất bại trước Tổng thống đương nhiệm Jokowi. Dù bị thua nhưng ông Prabowo Subianto vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tướng lĩnh quân đội và nhiều cử tri địa phương.

Do ông Prabowo Subianto vẫn nhận được sự ủng hộ nhất định của giới tướng lĩnh quân đội Indonesia và có một mạng lưới các nhóm Hồi giáo lớn tại Indonesia ủng hộ nên ông Jokowi phải tìm cách dung hòa để tránh những đối đầu không cần thiết và giảm căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập mà ông Prabowo Subianto là người đứng đầu.

Tổng thống Jokowi đã quyết định bổ nhiệm ông Prabowo Subianto giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng bất chấp nhiều ý kiến phản đối. Bước đi này của Tổng thống Jokowi được đánh giá là rất mạo hiểm, nhưng là cách để vô hiệu hóa và đặt đối thủ chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình.

[Cuộc chia tay được báo trước giữa Tổng thống Jokowi và NU]

Ông Prabowo Subianto được biết đến là nhân vật có tính cách thất thường, thích sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề nhưng cựu tướng quân đội này được đánh giá là người hiểu biết, thông minh, quyết đoán và là một chiến lược gia tầm cỡ.

Không giống như Tổng thống Jokowi, ông Prabowo Subianto là người giỏi ngoại ngữ, có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo và tự tin, thoải mái khi gặp gỡ, giao thiệp với giới chức quyền lực phương Tây.

Với mục tiêu hướng đến vị trí tổng thống Indonesia trong cuộc bầu cử năm 2024, cho đến nay, ông Prabowo Subianto đã thực sự chứng tỏ là một Bộ trưởng Quốc phòng rất hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của các nước lớn như Nga và Trung Quốc trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp.

Ở nhiều khía cạnh, Indonesia và Australia đều có chung những thách thức đến từ Trung Quốc. Cả hai quốc gia phụ thuộc kinh tế tương đối lớn vào siêu cường châu Á này, trong khi đều có những lo ngại về các hành động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc chính quyền Mỹ chủ động mời ông Prabowo Subianto đến thăm và dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh có liên quan nhiều đến quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc và việc Washington cần một Indonesia ủng hộ vai trò mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper có chuyến công du tới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia là chặng dừng chân cuối cùng. Tại Indonesia, các quan chức Mỹ gặp những người đồng cấp để khẳng định quan điểm của hai nước về chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Bất chấp những phát biểu hùng hồn của ông Mike Pompeo về dân chủ, mối lo ngại của chính quyền Mỹ về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã khiến chính quyền của Tổng thống Trump có cách tiếp cận thực dụng đối với dân chủ và nhân quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một quan điểm mà ông Prabowo Subianto rất hiểu và đã tìm cách khai thác.

Chính quyền Joe Biden cũng sẽ có cách tiếp cận tương tự như vậy nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ.

Australia sẽ ứng xử ra sao nếu ông Prabowo Subianto đắc cử tổng thống Indonesia vào năm 2024? Khoảng thời gian 4 năm nữa vẫn còn là một chặng đường dài, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông Prabowo Subianto (nếu đắc cử) chắc chắn sẽ làm cho mối quan hệ song phương giữa Indonesia và Australia trở nên rõ ràng hơn nhiều so với sự thờ ơ của Tổng thống đương nhiệm Jokowi đối với các vấn đề đối ngoại hiện nay. Một mối quan hệ Indonesia-Australia đầy biến động cũng có thể sẽ xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục