Dư luận Trung Quốc về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden

Báo báo cáo của Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương cho rằng khoảng 2/3 chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc không thay đổi so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng china.org.cn, Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc đã công bố báo cáo "Đánh giá chính sách đối với Trung Quốc trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden" và tổ chức một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này.

Báo báo cáo của Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương cho rằng khoảng 2/3 chính sách của chính quyền ông Biden đối với Trung Quốc không thay đổi so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương là Hồ Sảnh Dung cho rằng 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden sẽ trở thành điểm khởi đầu cho sự phụ thuộc sau này của ông về đường lối chính sách đối với Trung Quốc.

Về tổng quan, trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Biden, Trung Quốc không hề bị tụt lại, ở một mức độ nào đó lại còn vượt trước.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi cho rằng việc xem xét và phân tích các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Biden sẽ giúp hiểu được xu hướng gần đây của quan hệ Trung-Mỹ, thúc đẩy sự thay đổi quan hệ giữa hai nước và ngăn chặn cạnh tranh chiến lược rơi vào trò chơi có tổng bằng 0.

[Chính sách thương mại của ông Biden và ông Trump không có khác biệt?]

Ông Hà Á Phi cho rằng chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền ông Biden đã thành hình. Các đặc điểm chính bao gồm:

Việc ngăn Trung Quốc - với tư cách là một đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn - thách thức sự thống trị toàn cầu của Mỹ đã trở thành đường lối chính trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Chiến lược cạnh tranh của Mỹ đối với Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thực chất và có định hướng chính sách từ sau thời kỳ ông Trump, và ông Biden đã không thay đổi lập trường cứng rắn của mình.

Sắc thái tư tưởng của mối quan hệ cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn và đi vào tất cả các khía cạnh của quan hệ Trung-Mỹ.

Ông Hà Á Phi kết luận rằng cạnh tranh chiến lược toàn diện của Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa được hợp nhất thành các chính sách cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau.

Mặc dù việc tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc và gia tăng sức ép đối với Trung Quốc là sự đồng thuận của cả hai đảng, nhưng vẫn chưa có kết luận về việc làm thế nào để định hình một chính sách cạnh tranh hiệu quả hơn đối với Trung Quốc.

Điều này không có nghĩa là chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ quay trở lại điểm xuất phát, mà là hình thức thể hiện và cách thức cạnh tranh chiến lược sẽ thay đổi.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Bắc Kinh Vương Dũng cho rằng xu thế cạnh tranh lớn giữa Trung Quốc và Mỹ đã hình thành. Điều này liên quan chặt chẽ đến việc so sánh sức mạnh quốc gia của hai nước và việc thu hẹp dần khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ trên các lĩnh vực.

Ngoài ra, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ bị hạn chế nghiêm trọng trong một thời gian dài, xuất phát từ tình hình chính trị trong nước của Mỹ. Mặc dù cục diện lớn của cạnh tranh chiến lược là khó thay đổi, nhưng quan hệ Trung Quốc và Mỹ vẫn phụ thuộc lẫn nhau.

Để đối phó với việc Mỹ lôi kéo phe nhóm chống Trung Quốc thì Trung Quốc phải xây dựng lòng tin.

Trong khi đó, Giáo sư Đạt Nguy của Viện quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Thanh Hoa cho rằng có thể còn quá sớm để đánh giá chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Các chính sách của các cựu tổng thống George W.Bush, Barack Obama và Donald Trump trước và sau 100 ngày đầu tiên khác nhau rất lớn.

Ông lưu ý rằng chính sách tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc có 1/3 là cốt lõi, còn 2/3 là bổ trợ, cho dù chỉ là thay đổi 1/3 nhưng sự thay đổi đó là rất lớn.

Ông Đạt Nguy cho rằng quan hệ Trung-Mỹ vẫn đang ở mức ổn định sau khi rơi xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2020, từ đó quan hệ hai bên cũng không xấu đi và cũng chưa cải thiện đáng kể.

Theo ông Đạt Nguy, hiện chính quyền ông Biden đang dần hình thành chiến lược “cạnh tranh lâu dài” hơn là cạnh tranh chiến lược. Chiến lược cạnh tranh dài hạn là cạnh tranh trong điều kiện cùng tồn tại lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ.

Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội của trường Đại học Thanh Hoa Triệu Khả Kim cho rằng việc đánh giá chiến lược quốc tế và chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden về mặt phương pháp luận phải vượt qua quan điểm "Trung Quốc là duy nhất."

Có nhiều vấn đề trước mắt buộc ông  Biden phải lựa chọn ưu tiên, do đó, việc phân tích chính sách đối của Mỹ đối với Trung Quốc phải được xem xét từ góc độc của Mỹ.

Sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden, có thể thấy mục tiêu chiến lược của ông Biden là tìm cách quay trở lại lãnh đạo thế giới. Trở ngại lớn nhất để đạt được mục tiêu này là Mỹ chưa đạt được một đồng thuận chiến lược trong nội bộ.

Do đó, ông Biden có thể ưu tiên đối nội, đồng thời thống nhất đồng minh.

Vương Hồng Cương, Giám đốc Trung tâm Mỹ thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại, đưa ra 3 quan điểm:

Thứ nhất, đánh giá thế nào về vai trò của ông Biden trong chính sách đối với Trung Quốc trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Trong 100 ngày đầu cầm quyền, ông Biden đã đưa ra một số kế hoạch quy mô lớn như dự luật cứu trợ, cố gắng biến khủng hoảng thành cơ hội từ đại dịch COVID-19 và có được sự chuyển đổi trong một quá trình ổn định. Về các vấn đề lâu dài, chính quyền ông Biden đã có xu hướng tốt.

Thứ hai là làm thế nào để nhận biết vị trí của chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong 100 ngày cầm quyền của ông Biden và cục diện chung của chính quyền Tổng thống Biden. Một mặt, chính quyền Tổng thống Biden sử dụng những thách thức từ Trung Quốc để thúc đẩy chương trình nghị sự. Mặt khác, để đảm bảo tiến độ chương trình nghị sự của mình, chính quyền Biden cũng cần đảm bảo mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định tổng thể.

Thứ ba là đánh giá thế nào về tương tác quan hệ Trung-Mỹ trong 100 ngày đầu cầm quyền. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang áp dụng chiến lược kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác để thăm dò nhau.

Trác Đông Thăng, Phó Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng nhằm chiếm thế chủ động trong cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc một là đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển mới với chu kỳ kép, trong đó chu kỳ lớn trong nước là chính, chu kỳ trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau, thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD và đạt được cân bằng thương mại tổng thể.

Thứ hai là nắm chắc bên thứ ba (không phải Mỹ) để đảm bảo rằng các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc cùng với việc có chỗ đứng ở thị trường trong nước cũng sẽ chiếm lĩnh thị trường quốc tế lớn.

Thứ ba là đoàn kết tất cả các lực lượng có thể đoàn kết được.

Thứ tư là tích cực và mạnh dạn thực hiện hợp tác quốc tế. Đối với các vấn đề khí hậu, Trung Quốc có lực lượng thực thi mạnh mẽ trong việc hoàn thành các mục tiêu đạt đỉnh carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060, và có một dư địa lớn cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục