Đức dừng điều tra cáo buộc hoạt động tình báo của giáo sỹ Thổ Nhĩ Kỳ

Các công tố viên Đức thông báo đã dừng điều tra nhằm vào các giáo sĩ Hồi giáo bị tình nghi làm gián điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ do không đủ bằng chứng.
Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen tại Saylorsburg, bang Pennsylvania, Mỹ ngày 18/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12, các công tố viên Đức thông báo đã dừng điều tra nhằm vào các giáo sĩ Hồi giáo bị tình nghi làm gián điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ do không đủ bằng chứng.

Các giáo sỹ trên làm việc cho Hiệp hội các nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Đức (Ditib), bị tình nghi làm việc cho chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm cung cấp thông tin về những người theo giáo sỹ Fethullah Gulen - nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính bất thành vào tháng 7/2016.

Trong thông báo mới nhất, các công tố viên Liên bang Đức tuyên bố dừng cuộc điều tra.

Trước đó, các công tố viên cho biết đang chờ tòa án ra lệnh bắt giữ 7 nghi phạm, song thẩm phán kết luận rằng những người này không gây ra "mối đe dọa khẩn cấp."

Trong khi đó, 7 cá nhân khác đã được xóa bỏ cáo buộc do không đủ bằng chứng. Nhằm phục vụ công tác điều tra, cảnh sát đã thu thập các tài liệu viết tay, ngân hàng dữ liệu và thông tin liên lạc, song phân tích cho thấy không có bằng chứng nào về việc họ đã cung cấp thông tin cho nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, vụ án chống lại 5 nhân vật khác cũng bị bãi bỏ do điều tra cho thấy họ chỉ cung cấp thông tin thông thường cho lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ.

[EU không coi mạng lưới của giáo sỹ Gulen là tổ chức khủng bố]

Đầu năm nay, Tổng Công tố Liên bang Đức quyết định mở cuộc điều tra về khả năng hoạt động tình báo của các giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức.

Cuộc điều tra được tiến hành theo yêu cầu của nhà lập pháp Volker Beck, thuộc đảng Xanh. Theo ông Beck, có những báo cáo cho thấy Ankara đã yêu cầu các giáo sỹ Hồi giáo, được cử từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức làm việc cho Ditib, cung cấp thông tin về những người theo giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi sau khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích chiến dịch truy quét của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành năm ngoái.

Tuy nhiên, trong những tuần qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái hòa giải khi phóng thích 2 công dân Đức bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tuần sau đó, ngoại trưởng hai nước đã có cuộc gặp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Ngày 30/11 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đã điện đàm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục