Đức, Estonia trình dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng xung đột toàn cầu

Dự thảo này kêu gọi tất cả các bên xung đột vũ trang ngừng bắn vì mục đích nhân đạo trong ít nhất 90 ngày nhằm vận chuyển hàng cứu trợ tới những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch COVID-19.
Giao tranh tại Tripoli, Libya, ngày 18/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/5, Đức và Estonia đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi tạm ngừng các cuộc xung đột trên thế giới trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành.

Nghị quyết này nhằm thay thế dự thảo nghị quyết do Pháp và Tunisia đề xuất nhưng đã bị Mỹ phủ quyết.

Theo văn bản mà hãng tin AFP có được, dự thảo nghị quyết của Đức và Estonia, hai ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm 5 điều khoản chính - ít hơn so với 9 điều khoản của dự thảo nghị quyết của Pháp và Tunisia.

[Thúc đẩy 'ngừng bắn nhân đạo' đối với các cuộc xung đột trên toàn cầu]

Tuy nhiên, giống như dự thảo nghị quyết trước đó, dự thảo này kêu gọi tất cả các bên xung đột vũ trang tham gia ngay lập tức vào kế hoạch ngừng bắn vì mục đích nhân đạo trong ít nhất 90 ngày liên tiếp nhằm cho phép vận chuyển hàng cứu trợ tới những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Mục đích của dự thảo cũng nhằm giúp hơn 20 quốc gia trên thế giới đang chìm trong khủng hoảng hoặc chiến tranh tập trung cho cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hiện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa ấn định ngày bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết này. Tuy nhiên, ngày này sẽ sớm diễn ra nếu không có nước nào trong số 5 ủy viên thường trực đe dọa phủ quyết.

Trước đó, dự thảo nghị quyết của Pháp và Tunisia đã bị Mỹ phủ quyết liên quan tới vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Trước đó, hôm 23/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ dân thường tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Yemen và Syria, những nơi mà hệ thống y tế nghèo nàn sẽ không ứng phó được dịch bệnh.

Các bên xung đột đã hưởng ứng lời kêu gọi này của ông Guterres, theo đó xung đột đã giảm phần nào. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau, các hoạt động thù địch ở một số quốc gia như Yemen, Libya và Nam Sudan lại tiếp diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục