Ngày 5/2, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Anh và Mỹ đều bày tỏ mong muốn "hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương," thông điệp này được đưa ra sau khi ngoại trưởng các nước tiến hành cuộc thảo luận sâu rộng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ các ngoại trưởng nhất trí muốn khôi phục quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương truyền thống, gần gũi và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu trong tương lai.
Cuộc đối thoại chuyên sâu này được diễn ra trong một bầu không khí tin cậy và mang tính xây dựng.
Bên cạnh đó, các ngoại trưởng châu Âu và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn đã diễn ra không mấy suôn sẻ kể từ khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018. Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
[Khởi đầu mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Joe Biden]
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Tehran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận các bên đã thảo luận về cách tiếp cận thống nhất có thể giải quyết những mối quan tâm chung về vấn đề Iran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả cuộc hội đàm là "cuộc đối thoại quan trọng về Iran" và về việc cùng nhau xử lý các thách thức hạt nhân và an ninh khu vực.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay tại cuộc thảo luận, ông Blinken đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc phối hợp hành động để giải quyết thách thức toàn cầu.
Ngoại trưởng Blinken và những người đồng cấp châu Âu đã nêu bật vai trò trung tâm của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong việc giải quyết các thách thức an ninh, khí hậu, kinh tế, y tế cùng một số lĩnh vực khác mà thế giới đang đối mặt./.