Đức và Pháp muốn tái cơ cấu nợ Eurozone một cách dễ dàng hơn

Thông qua việc ban hành một điều khoản pháp lý mạnh mẽ hơn trong đợt phát hành trái phiếu mới đây, Pháp và Đức muốn cơ cấu nợ tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách dễ dàng hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Quebec, Canada ngày 8/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông qua việc ban hành một điều khoản pháp lý mạnh mẽ hơn trong đợt phát hành trái phiếu mới đây, Pháp và Đức muốn cơ cấu nợ tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một cách dễ dàng hơn.

Với lập trường trung tăng cường hội nhập trong Eurozone, Pháp và Đức đã nhất trí về một điều khoản, được Liên minh châu Âu (EU) gọi là "lộ trình," theo đó kêu gọi cải thiện khuôn khổ hiện nay nhằm thúc đẩy tính bền vững của nợ công thông qua việc tăng cường "ứng xử tương đồng" trong trái phiếu.

Những điều khoản này sẽ tạo thuận lợi hơn để một chính phủ khống chế được một số nhà đầu tư vốn phản đối các điều khoản về cơ cấu nợ.

Berlin và Paris cũng làm rõ trong thỏa thuận của họ rằng nếu một quốc gia đề nghị sự giúp đỡ từ Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ của Eurozone - quỹ này sẽ phải đánh giá liệu nợ của quốc gia này vẫn ổn định hay cần phải được tái cơ cấu.

ESM, vốn chịu trách nhiệm giám sát các khoản cứu trợ tài chính cho các nước thành viên gặp vấn đề lớn về nợ công như Hy Lạp, không đủ khả năng bảo vệ Eurozone khỏi các cuộc khủng hoảng.

Eurozone cần nâng cấp ESM thành Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), có khả năng hỗ trợ quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công với một loại tín dụng ngắn hạn, khoảng 5 năm, cho các nước gặp khó khăn.

[Đức và Pháp nhất trí thiết lập ngân sách chung của Eurozone]

Trong khi đó, nếu cả khu vực gặp nguy hiểm, EMF phải có khả năng cung cấp tín dụng dài hạn với kỳ hạn 30 năm và là điều kiện để thực hiện các cải cách cơ cấu.

Đánh giá về nỗ lực của Pháp và Đức đối với kế hoạch cải tổ Eurozone, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghikhẳng định mọi việc đang đi đúng hướng

Trước đó, sau một thời gian dài, ngày 3/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đáp lại lời kêu gọi cải cách EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với cam kết ủng hộ đầu tư và hỗ trợ các quốc gia đang ngập trong nợ nần của Eurozone.

Thủ tướng Merkel cho biết với vai trò là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, Đức sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự thiếu cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu hơn và các nước nghèo trong EU, đặc biệt liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo.

Bà Merkel nhấn mạnh: "Chúng ta cần sự hội tụ kinh tế nhanh hơn giữa các nước thành viên." Theo bà, quỹ sẽ được giải ngân dần dần và sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả, với ngân sách ít nhất là hàng chục tỷ euro.

Tuyên bố của bà Merkel được cho là câu trả lời cho lời kêu gọi từ 1 năm trước của ông Macron khi nhậm chức Tổng thống Pháp với tham vọng tái cơ cấu EU và đưa khối này trở nên "trách nhiệm" hơn nữa đối với người dân.

Dự kiến, lãnh đạo Đức và Pháp sẽ có cuộc thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 này nhằm phối hợp lập trường của mỗi bên về cải cách EU.

Hội nghị này là cơ hội cuối cùng trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 5/2019 để đưa ra các dự án khả thi và thuyết phục các cử tri châu Âu đang hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết của khối.

Cùng với gói cứu trợ nhỏ hơn đối với Cộng hòa Cyprus năm 2013, cho đến nay, Eurozone đã chứng kiến tiến trình tái cơ cấu nợ Hy Lạp từ năm 2012, một tiến trình tái cơ cấu nợ công lớn nhất trong lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục