Đường đến vinh quang của nhà vô địch cử tạ Asian Para Games II

Để bước lên đỉnh vinh quang tại Asian Para Games II, Nguyễn Bình An đã trải qua chặng đường chông gai, vượt khó bằng quyết tâm và nghị lực phi thường.

Tại Asian Para Games II năm 2014 diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc), chàng trai khuyết tật Nguyễn Bình An đã đăng quang ngôi vô địch môn cử tạ hạng cân 54 kg, với mức tạ 176 kg.

An còn lập kỷ lục châu Á mới với mức tạ 179 kg. Để bước lên đỉnh vinh quang của hôm nay, đối với An là cả một chặng đường chông gai, vượt khó bằng quyết tâm và nghị lực phi thường.

Trở lại quê nhà sau ngày đăng quang Asian Para Games II, Nguyễn Bình An tiếp tục những chuỗi ngày ngồi trên xe lăn bên chiếc bàn vé số ở một góc ngã đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Trà Vinh để mưu sinh. Anh bảo: Cử tạ là nghiệp thể thao mà cả đời tôi đam mê, còn bán vé số là cái nghề cho tôi hạnh phúc và đến với nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, có 4 anh chị em ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), năm lên 6 tuổi, thay vì được đến trường như bao bạn bè trang lứa, bất ngờ một cơn sốt bại liệt đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân khỏe mạnh của cậu bé Nguyễn Bình An. Hơn 10 năm sống lê lết với đôi chân tóp teo, quặt quẹo, năm 1999, An được một người quen giới thiệu lên tập luyện tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh. Nói tập luyện, thật ra là An lên trung tâm để được học nghề, làm kế mưu sinh sau này.

Gần 2 năm sồng ở trung tâm và học hành chăm chỉ, An cũng thành thạo được nghề may. Thế nhưng, nghề may quần áo ở quê nghèo lúc bấy giờ kiếm được ngày hai bữa đã khó, nói gì chuyện cơ nghiệp tương lai. Vì vậy, An quyết định không trở về quê mà ở lại thành phố Trà Vinh, hàng ngày ngồi xe lăn đi bán vé số kiếm sống và cần kiệm tích lũy gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Vòng quay cuộc mưu sinh trên phố chợ cứ lặp lại hết ngày này sang ngày khác cũng làm An thấy hụt hẫng, cô đơn.

Để tìm nguồn vui, anh ghi danh vào lớp tập thể hình để vừa có nơi thư giãn, lại vừa có thêm sức khỏe để quay vòng bánh xe rong ruổi nơi phố chợ ngày ngày. Những ngày đầu lăn xe vào phòng tập thể hình, anh đã gây sự chú ý với nhiều người và không tránh khỏi những ánh mắt gièm pha bởi từ trước tới nay, phòng tập gần như là nơi chỉ dành cho các chàng trai khỏe mạnh. Hơn nữa, với môn thể thao này, người tập phải đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khá khắt khe trong các bữa ăn, trong khi đối với An nguồn thu nhập từ nghề bán vé số thật khiêm tốn.

Tuy nhiên, với niềm đam mê, mơ ước trở thành một vận động viên cử tạ nên An đã dồn hết nghị lực để vượt qua những rào cản ban đầu và dần thích nghi tốt. Thật tuyệt vời, càng tập, anh thấy sức mình càng mạnh, đôi tay vốn to khỏe giờ càng nở nang, săn chắc hơn. Có sức khỏe, các vòng quay từ chiếc xe do anh điều khiển chạy nhanh hơn và cũng từ đó bán được nhiều vé số hơn trước.

Đều đặn mỗi ngày, khi xấp vé số trên tay được bán hết là anh lăn xe vào phòng tập. Phát hiện An có năng khiếu, lại rất đam mê môn cử tạ nên lãnh đạo ngành thể thao của tỉnh đã giúp đỡ về vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để anh vươn tới đỉnh cao.

Khổ luyện ròng rã mấy năm trời, Nguyễn Bình An đã được ngành thể thao tỉnh chọn tham dự hội thao người khuyết tật toàn quốc tại Đà Nẵng vào tháng 7/2010. Ngay lần đầu xuất quân thi đấu, Nguyễn Bình An đã xuất sắc đoạt huy chương vàng, đồng thời phá kỷ lục quốc gia ở hạng cân 56kg do một vận động viên của tỉnh Đồng Nai nắm giữ nhiều năm liền.

Với thành tích này, An được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự giải Thể thao người khuyết tật Châu Á (Asean Paragames), tại Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 12/2010. Tuy nhiên, lần đầu ở ở sân chơi lớn anh không đạt được thành tích tốt.

Thất bại là bài học kinh nghiệm để tìm đến sự thành công, anh không nản chí mà càng quyết tâm khổ luyện. Nguyễn Bình An cho biết: Bốn năm kể từ sau Asian Para Games 2010, tôi không bao giờ quên thất bại và càng tự bảo mình phải nỗ lực hơn, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn hơn. Cũng nhờ được sự động viên, chỉ bảo của ban huấn luyện đã giúp tôi vượt lên chính mình, đoạt chiếc huy chương vàng tại Asian Para Games II.

Cuộc sống của gia đình anh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Hai vợ chồng cùng 2 cô con gái nhỏ sống trong căn phòng trọ, ngày ngày mưu sinh bằng khoản tiền thu được từ bán vé số. Anh mơ ước xây được một mái ấm cho gia đình để thoát khỏi cảnh sống nhà thuê, giúp anh yên tâm, tập trung tập luyện, tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới của thể thao.

Tuy nhiên mười mấy năm qua, thu nhập từ nghề bán vé số của hai chồng không sao tích lũy đủ để mua đất, cất nhà. Mong rằng niềm ước ao chính đáng của anh sớm được các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, giúp anh ấm lòng, thêm nghị lực để tiếp tục vươn lên, đem về niềm vinh quang, tự hào cho thể thao tỉnh Trà Vinh cũng như thể thao Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục