Đường phố Iran “bùng nổ” sau chiến thắng lịch sử của đội nhà

Người Iran đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tehran để ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội nhà trước đội tuyển Maroc trong lượt trận đầu bảng B World Cup 2018.
Các cầu thủ Iran (áo trắng) tranh bóng với các cầu thủ Maroc trong trận đấu trong khuôn khổ bảng B World Cup 2018 ở Saint Petersburg, Nga ngày 15/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đêm 15/6, người Iran đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tehran để ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội nhà trước đội tuyển Maroc trong lượt trận đầu bảng B World Cup 2018.

Người dân Iran thường tụ tập ở các quán bar, rạp chiếu phim hoặc quán café để xem World Cup. Nhiều người đã rất vui mừng khi được xem trận đấu giữa đội tuyển Iran và Maroc qua màn hình lớn tại sân vận động Azadi (có nghĩa là “Tự do”). Đây là lần đầu tiên kể từ khi Cách mạng Hồi giáo thành công, nam giới và nữ giới ở Iran có thể tham dự một sự kiện thể thao cùng nhau.

Trước đó, lòng nhiệt thành của các cổ động viên đã bị “dội gáo nước lạnh” khi chính quyền thành phố thông báo kế hoạch phát trận đấu tại các công viên và sân vận động lớn nhất của Tehran đã bị cấm mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Thay vào đó, không có bất cứ tín hiệu nào từ phía cảnh sát cho thấy liệu các quán café có được phát trận đấu hay không, nhiều “tín đồ” bóng đá đã chuyển sang các rạp chiếu phim để được thỏa mãn niềm đam mê.

[Tuyển Iran gây sốc với chiến thắng ở trận ra quân World Cup 2018]

Nhiều người hâm mộ đã tụ tập trước khu phức hợp tại trung tâm thủ đô Tehran trước trận đấu, cầu nguyện và làm "chói tai" người qua đường với tiếng kèn Vuvuzela. Người Iran dường như không lạc quan về khả năng đội bóng nước này sẽ giành chiến thắng. Thế nhưng, họ đã nhầm. Bàn phản lưới nhà của Aziz Bouhaddouz của Maroc đã giúp Iran giành chiến thắng đầu tiên tại World Cup sau 20 năm.

Chỉ trong vài phút, người dân Tehran đã đổ ra đường để ăn mừng, như thể là đội tuyển của họ đã vô địch World Cup vậy. Giao thông trên trục đường chính Bắc-Nam Vali Asr của thành phố gần như tắc nghẽn khi hàng trăm chiếc xe với tiếng còi và người hâm mộ hân hoan vẫy cờ, hò hét.

Chứng kiến một đám đông hàng trăm người đang khiêu vũ và cổ vũ ngẫu hứng ở giữa đường phố, anh Amin - một cổ động viên 30 tuổi, cho biết: "Chúng tôi không có nhiều điều để ăn mừng gần đây. Do vậy, chiến thắng này thực sự tuyệt vời."

Đến nửa đêm, âm nhạc và pháo hoa vẫn xuất hiện và những tiếng hò reo vẫn không có dấu hiệu lắng xuống. Cảnh sát cũng cảm thấy vui mừng và để cho người hâm mộ thoải mái thể hiện cảm xúc, nhất là nam giới và nữ giới ăn mừng cùng nhau - một điều vốn bị cấm tại quốc gia Hồi giáo này. Chiến thắng là một phần thưởng ngọt ngào mà các cầu thủ Iran có được trước một hành trình đầy khó khăn. Trước đó, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Carlos Quieroz đã phải phàn nàn về nguồn lực hạn chế và cơ sở vật chất thiếu thốn cho đội bóng của ông.

Các cầu thủ Tây Á cũng là nạn nhân mới nhất của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt, đặc biệt là lệnh cấm vận thương mại của Washington đối với Iran, theo đó hãng thể thao Nike từ chối cung cấp giày đá bóng cho đội tuyển. Chiến thắng này đã tạo ra một cảm xúc khó tả lan truyền trên mạng xã hội với logo của Nike và dòng trạng thái đính kèm: “Chúng tôi đã làm được điều đó. Mà không cần bạn!"

Trong một bài phỏng vấn trước đó trên tạp chí GQ, huấn luyện viên Quieroz chia sẻ: “Người Iran yêu bóng đá. Mọi người biết những khó khăn của chúng tôi và bây giờ họ sẽ phải nhìn Iran khác đi - một cái nhìn tôn trọng hơn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục