Đường thủy được ưu tiên nguồn vốn lớn để gỡ ‘nút thắt’ về hạ tầng

Khắc phục tình trạng ngân sách đầu tư thấp, khó thu hút vốn xã hội hóa, Chính phủ đã ưu tiên vốn để tạo đột phá hạ tầng, khơi tiềm năng vận tải thủy nội địa với chi phí rẻ nhằm giảm tải cho đường bộ.
Với những điểm nghẽn hạ tầng nên vận tải thủy vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Với những điểm nghẽn hạ tầng nên vận tải thủy vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mới đây, Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với nguồn vốn lớn, nhiều cơ chế đột phá, ngành đường thủy sẽ có đòn bẩy để cải thiện về kết cấu hạ tầng, “phủ sóng” luồng tuyến và kỳ vọng sẽ đảm nhận vận chuyển hàng hóa nhiều hơn.

Đột phá hạ tầng, khơi dậy tiềm năng vận tải thủy

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay đã cải tạo, nâng cấp 17 tuyến vận tải (đạt 38% mục tiêu) với tổng chiều dài 3.317 km (đạt 54%), 165 cảng hàng hóa (đạt 127%), 12 cảng khách (đạt 32%), đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông pha biển và tuyến vận tải ven biển Bắc-Nam.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhìn nhận hệ thống đường thủy có tiềm năng lớn và thế mạnh về vận chuyển hàng hóa giá rẻ cự ly trung bình (300-500km) so với đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, đến nay, đường thủy vẫn chưa khai thác được tiềm năng này, chưa tạo được sự cạnh tranh so với loại hình vận tải khác bởi điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn vốn đầu tư.

Dẫn chứng, trên một số tuyến đường thủy trọng điểm, đang bị hạn chế khả năng vận tải, lưu thông do tồn tại các nút thắt về cầu vượt sông, kênh có tĩnh không thấp như cầu Đuống, Đồng Nai, Phước Long, Măng Thít, Nàng Hai, Rạch Ông, An Long...

Ông Thu thông tin thêm, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu giảm tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng đường bộ 2-3% sẽ không gây tác động nhiều đến hiệu quả vận tải. Nhưng nếu tăng đầu tư cho vận tải đường thủy ở mức 5-7%/năm giai đoạn 2021-2030 sẽ tác động tăng trưởng vận tải thủy rất mạnh bởi chi phí trung bình/tấn-km của vận tải đường bộ cao gấp 3-5 lần so với vận tải bằng đường thủy.

Thực tế những năm qua cho thấy, ngân sách đầu tư đường thủy thấp, khó thu hút được nguồn vốn xã hội hóa. Nhận thấy điều này, Chính phủ đã ưu tiên vốn Nhà nước để tạo đột phá hạ tầng, khơi dậy tiềm năng vận tải thủy.

[Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để nâng cấp luồng đường thủy nội địa]

Tại quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực đường thủy đến năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác khoảng 128.614 tỷ đồng.

Theo ông Thu, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư các dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia-giai đoạn 1 (khu vực phía Nam); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo-giai đoạn 2; nâng tĩnh không cầu Đuống… sẽ giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải chính mới khai thác tốt hơn tiềm năng của vận tải thủy..

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam phân tích, điều quan trọng nhất để đường thủy tăng sức cạnh tranh là thời gian vận chuyển nhanh hơn và nâng cao năng suất vận chuyển, khai thác được phương tiện trọng tải lớn, góp phần tiết kiệm chi phí giá thành vận tải.

Để làm được điều này, ông Liêm cho rằng cần sớm đầu tư nâng cấp cải tạo tuyến kênh, nạo vét đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa chính, đầu tư các cảng cạn nhằm có thể tiếp nhận được phương tiện thủy vào xếp, dỡ hàng hoá.

Phát triển 9 hành lang vận tải thủy

Đưa ra các giải pháp phát triển vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, để tăng tính cạnh tranh, góp phần dịch chuyển cơ cấu vận tải, hàng hóa chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa, góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ.

Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, tĩnh không cầu…) đường thủy nội địa theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics đường thủy nội địa và tham gia vận tải đa phương thức.

[Cục Đường thủy lên tiếng về phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM, Hải Phòng]

Đặc biệt, các tỉnh thành quan tâm bố trí đất dọc theo các tuyến đường thủy nội địa chính để hình thành những cụm cảng ở khu vực thuận lợi cho việc kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất… và hình thành tuyến vận tải thủy container kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, để tối ưu hoá hiệu quả công tác vận tải, đặc biệt phục vụ cho xuất nhập khẩu…

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian tới sẽ tập trung triển khai, cố gắng cụ thể hóa 9 hành lang vận tải thủy trong quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để khai thác lợi thế đường thủy nội địa đồng thời sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển vận tải ven bờ một cách tốt nhất.

Bộ Giao thông Vận tải cũng khuyến khích hình thành các doanh nghiệp, các tập đoàn vận tải thủy nội địa lớn để quy tụ, hình thành các doanh nghiệp lớn với đội tàu hùng mạnh để khai thác có hiệu quả, đóng góp tỷ trọng vận tải hàng hóa lớn, giảm tải cho vận tải đường bộ, đường sắt…/.

Tại quy hoạch kết cấu hạ tầng Đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt xác định mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; vận chuyển khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy.

Giai đoạn này cũng sẽ quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy; 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000km); 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục