EC vẫn lo ngại về kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Anh

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Anh, Chủ tịch EC Juncker bày tỏ lo ngại về cơ chế hải quan mà phía Anh vừa đề xuất để tránh việc kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại cuộc gặp ở Luxembourg ngày 16/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đánh giá kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Anh Boris Johnson có một số điểm tích cực, nhưng vẫn còn những vấn đề cần xem xét trong những ngày tới.

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Anh, Chủ tịch Juncker bày tỏ lo ngại về cơ chế hải quan mà phía Anh vừa đề xuất để tránh việc kiểm tra biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland - thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Đề xuất mới của Anh bao gồm cách thức loại bỏ điều khoản "chốt chặn Ireland," mà người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May đã đồng ý nhưng lại bị Quốc hội Anh bác bỏ.

Tuy nhiên, EC - vốn luôn khẳng định rằng điều khoản "chốt chặn" là cần thiết để bảo vệ cùng lúc hòa bình ở Bắc Ireland và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU - vẫn có những bảo lưu về đề xuất của London.

Chủ tịch Juncker nhấn mạnh hai bên cần làm việc thêm trong những ngày tới, đặc biệt là về các nội dung liên quan đến việc quản lý "chốt chặn."

Trước đó, trong kế hoạch gửi cho EU nhằm giải quyết vấn đề đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, London đề nghị thiết lập vùng quản lý đồng bộ với cả Bắc Ireland và EU để tránh việc tái lập các điểm kiểm tra hải quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai bên thời hậu Brexit.

Với việc áp dụng vùng quản lý chung, vùng Bắc Ireland sẽ tạm thời tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của EU. Theo đó, nông sản từ các vùng còn lại của Anh khi được đưa tới Bắc Ireland cũng sẽ phải trải qua các khâu kiểm tra như quy định trong luật của EU.

Như vậy, vùng Bắc Ireland sẽ vẫn là một phần trong lãnh thổ hải quan của Vương quốc Liên hiệp Anh nhưng để có thể tránh được việc thiết lập các điểm kiểm tra hải quan tại biên giới, London đề xuất thiết lập một hệ thống kê khai (Declaration system) để các tiểu thương kê khai hàng hóa theo một quy trình đơn giản, kèm với đó là cơ chế được tạm gọi là các doanh nghiệp "đáng tin cậy."

Bên cạnh đó, một mối quan tâm khác cần được giải quyết là các quy tắc về hải quan. Kế hoạch của Thủ tướng Anh cho phép một hội đồng mới của Bắc Ireland quyết định có nên gia hạn thỏa thuận "bốn năm một lần" hay không, qua đó đặt ra giới hạn thời gian cho kế hoạch - điều mà EU từng từ chối trước đó.

Chủ tịch Juncker nhắc lại lập trường của EU rằng bất kỳ sự thay thế nào cho "chốt chặn" phải đạt được cùng một kết quả. Đó là hai bên phải đưa ra được một giải pháp hoạt động hợp pháp, đáp ứng tất cả các mục tiêu như ngăn chặn việc thiết lập một đường biên giới cứng, duy trì hợp tác Bắc-Nam, bảo vệ nền kinh tế của đảo Ireland, duy trì thị trường đơn nhất của EU cũng như vị trí của Cộng hòa Ireland trong thị trường này.

Chủ tịch EC cũng thừa nhận đã có "những tiến bộ tích cực" trong đề nghị mới của London, đồng thời cho biết các nhà đàm phán EU sẽ nghiên cứu đề xuất trên một cách khách quan. Ông hoan nghênh quyết tâm của Thủ tướng Johnson thúc đẩy các cuộc đàm phán trước thêm Hội nghị thượng đỉnh EU và tạo ra các tiến bộ để đi đến một thỏa thuận.

Dự kiến các nhà đàm phán EU và Anh sẽ tiếp tục đối thoại trong những ngày tới. Ông Juncker nhấn mạnh Nghị viện châu Âu và EC sẽ được cập nhận từng diễn biến.

Cùng ngày, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit cho biết mặc dù đã có những tiến bộ, song "vẫn còn nhiều việc phải làm" sau khi nhận được đề xuất mới nhất của Thủ tướng Anh để có thể cho phép nước Anh ra đi trong trật tự vào ngày 31/10 tới. Ông nêu rõ Brexit không thỏa thuận sẽ không bao giờ là lựa chọn của EU và hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục