Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 1/4 đã nâng mức trợ giúp thanh khoản khẩn cấp (ELA) tối đa dành cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 700 triệu euro, đưa mức trần trợ giúp đó lên 71,8 tỷ euro (77,3 tỷ USD).
Các ngân hàng của Hy Lạp hiện đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ tài chính từ ECB để đáp ứng nhu cầu thanh toán, trong bối cảnh ECB không còn xem các trái phiếu chính phủ của Hy Lạp như một tài sản thế chấp để cấp vốn vay cho nước này.
Nhu cầu về thanh khoản đang trở nên rất cấp thiết đối với các ngân hàng Hy Lạp. Từ đầu tháng 12/2014 đến cuối tháng 2/2015, các chủ sở hữu tài khoản cá nhân và doanh nghiệp đã rút khoảng 25 tỷ euro tiền gửi tại các ngân hàng nước này do lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp.
Nếu quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ tiếp tục xấu đi, thì nguy cơ người gửi rút hết tiền từ tài khoản ở các ngân hàng càng tăng lên. Hậu quả là các ngân hàng này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ về vốn và bị áp đặt các biện pháp đặc biệt khác, khi đó tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp sẽ bị đặt dấu hỏi.
Trong một diễn biến liên quan, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về vấn đề nợ và cải cách của Hy Lạp diễn ra trong ngày 1/4 chưa đạt được kết quả cụ thể.
Các chuyên gia kinh tế của IMF và EU hiện đang đánh giá kỹ các đề xuất cải cách của Hy Lạp trước khi có thể giải ngân số tiền 7,2 tỷ euro (7,8 tỷ USD) còn lại trong gói cứu trợ quốc tế dành cho nước này, qua đó giúp Athens thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ đang rình rập.
Hy Lạp hy vọng những cải cách, trong đó có đề xuất về xử lý tham nhũng và trốn thuế, có thể mang đến nguồn thu ít nhất 4,7 tỷ euro cho đất nước. Tuy nhiên, “bộ ba chủ nợ” quốc tế là IMF, EU và ECB cho rằng những biện pháp cải cách mà Athens đưa ra chỉ mang tính ý tưởng hơn là một kế hoạch cụ thể./.