EP và các nước thành viên EU chia rẽ về cải cách thị trường carbon

EU và Nghị viện châu Âu (EP) vẫn đang bất đồng về cách thức cải cách thị trường carbon châu Âu, cũng như liệu ngành vận tải và hàng không có nên nằm trong kế hoạch này không.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các nguồn thạo tin ngày 28/6 cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) vẫn đang bất đồng về cách thức cải cách thị trường carbon châu Âu, cũng như liệu ngành vận tải và hàng không có nên nằm trong kế hoạch này không.

Các cuộc đàm phán nhằm hướng đến việc hoàn tất văn bản pháp lý về những cải cách đối với Hệ thống buôn bán khí thải (ETS) sau năm 2020 đã kéo dài trong nhiều tuần qua.

[Nghị viện châu Âu ủng hộ cải cách thị trường buôn bán khí thải]

ETS là hệ thống buôn bán khí thải được cấp hạn mức về lượng dioxide carbon mà các công ty và nhà máy chế tạo được phép thải. Từ đó, các công ty có thể buôn bán hạn ngạch lượng khí được phép thải.

Hệ thống này giúp EU quản lý sự ô nhiễm công nghiệp, giúp khối này đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Tuy nhiên, hệ thống này đang gặp phải vấn đề dư thừa hạn ngạch.

Tại các cuộc thảo luận, hai bên đã nhất trí tăng gấp đôi tỷ lệ của Dự trữ bình ổn thị trường (MSR) trong kế hoạch để bù đắp cho hạn ngạch dư thừa như một biện pháp tăng giá trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, sự bất đồng còn tồn tại liên quan đến việc phần nào của tín dụng carbon nên được đấu giá so với việc được phân phối miễn phí cho công nghiệp, cách thức bồi thường ngành công nghiệp phải chịu chi phí phát thải gián tiếp trong hệ thống mới, cũng như dành riêng ngân sách cho các sáng kiến thân thiện với môi trường.

Tại cuộc thảo luận, nghị sỹ EP Julie Girling đã giữ nguyên ý kiến về việc thêm các lĩnh vực hàng không và vận tải vào dự thảo ETS trong bối cảnh vẫn chưa có tiến triển nào về chế tài quốc tế để quản lý lượng khí phát thải trong các lĩnh vực này.

Ngày 15/2 vừa qua, EP đã thông qua dự thảo cải cách thị trường khí thải châu Âu sau năm 2021, một bước đi quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của EU.

ETS là chính sách quan trọng của EU nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2030, sẽ cắt giảm 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của 11.000 nhà máy công nghiệp và nhà máy điện so với mức phát thải của năm 2005.

Dự kiến vòng thảo luận tiếp theo về vấn đề này sẽ diễn ra vào ngày 10/7 tới.

Estonia, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, khẳng định trong nhiệm kỳ 6 tháng của mình sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ thông qua văn kiện phức tạp này, cũng như nỗ lực đạt được thỏa hiệp công bằng và cân đối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục