EU chính thức xác nhận phương pháp tiếp cận 'kết hợp' về vaccine

Một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Bỉ, đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 khác với vaccine ban đầu để tiêm liều tăng cường.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (ECDC) ra thông cáo báo chí cho biết, hai cơ quan này đã chính thức khuyến nghị phương pháp tiếp cận “kết hợp các loại vaccine” đối với việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và liều tăng cường.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Bỉ, đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 khác với vaccine ban đầu để tiêm liều tăng cường. Phương pháp này hiện đã được EMA và ECDC chính thức khuyến nghị.

Nhà virus học người Bỉ, Steven Van Gucht nói: “Những cơ quan chuyên môn về y tế của EU luôn thận trọng hơn một chút trước khi chấp nhận một cách chính thức, thực tế đã cho thấy đây là một chiến lược rất tốt.”

[Tiêm liều tăng cường với vaccine Johnson & Johnson cho hiệu quả cao]

Để cung cấp cơ sở khoa học và tính linh hoạt hơn nữa cho các chương trình tiêm chủng, EMA và ECDC đã xem xét các bằng chứng thực tế có sẵn và phát hiện ra rằng vaccine vectơ virus (chẳng hạn như vaccine của các hãng AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) kết hợp với vaccine mRNA (của Pfizer hoặc Moderna) tạo ra “Mức độ kháng thể tốt” và phản ứng tế bào T cao hơn so với việc chỉ sử dụng cùng một loại vaccine.

Điều này đã được xác nhận đối với liệu trình vaccine ban đầu (sử dụng các loại vaccine khác nhau cho liều thứ nhất và thứ hai) cũng như đối với mũi tiêm nhắc lại.

Theo chuyên gia Van Gucht, việc sử dụng các loại vaccine khác nhau đều an toàn và thậm chí có thể cung cấp khả năng miễn dịch cao hơn. Bởi mỗi loại vaccine sẽ có ưu thế riêng của chúng và khi kết hợp với nhau, sẽ tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn nữa, đặc biệt khi đó là liều tăng cường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục