EU đạt bước tiến mới về hệ thống bảo lãnh tiền gửi

Theo thỏa thuận, mỗi nước thành viên EU sẽ phải lập ra một quỹ trị giá 0,8% tổng số tiền gửi của khách hàng trong 10 năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngày 17/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt thỏa thuận chính trị với các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) về cách thức bơm tiền cho hệ thống bảo lãnh tiền gửi của khách hàng. Đây được xem là bước tiến có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn tất khung các quy định mới cho hệ thống ngân hàng, tiến tới việc thành lập Liên minh ngân hàng châu Âu.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, mỗi nước thành viên EU sẽ phải lập ra một quỹ trị giá 0,8% tổng số tiền gửi của khách hàng trong vòng 10 năm.

Với quy định mới trên, những khách hàng có khoản tiền gửi dưới 100.000 euro (137.000 USD) tại các ngân hàng sẽ được bảo lãnh bằng số tiền do chính các ngân hàng dành riêng ra, thay vì người nộp thuế sẽ là đối tượng chịu trách nhiệm cho những rủi ro khi các ngân hàng gặp khó khăn. Quy định mới cũng cho phép khách hàng được rút tiền trong vòng bảy ngày thay vì thời hạn 20 ngày trước đây.

Ủy viên phụ trách các thị trường tài chính EU - người đầu tiên đưa ra ý tưởng này cách đây ba năm, ông Michel Barnier, cho biết mặc dù vẫn phải tiến hành một bước đi quan trọng khác nhằm ổn định tình hình tài chính, song ông hoan nghênh quyết định trên, coi đây là một lá chắn bảo vệ vững chắc cho những khách hành gửi tiền tại hệ thống ngân hàng châu Âu.

Nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Dân chủ Xã hội đã gọi quyết định trên là "tốt lành" cho cả những người gửi tiền và người đóng thuế.

Theo ông Michel Barnier, hệ thống đảm bảo tiền gửi vừa được thảo luận là "yếu tố quan trọng thứ ba" trong kế hoạch thành lập Liên minh ngân hàng mà EU đang triển khai.

Trước đó, các bộ trưởng tài chính EU đã đạt thỏa thuận cho hai yếu tố đầu tiên, đó là Cơ chế giải pháp duy nhất (SRM) và Cơ chế giám sát duy nhất (SSM).

SRM được áp dụng nhằm đóng cửa một ngân hàng có nguy cơ vỡ nợ trước khi định chế này gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn hơn. SRM hoạt động dựa trên nguồn quỹ do chính các ngân hàng đóng góp và phải tuân thủ cơ chế SSM do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều hành.

Dự kiến các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp vào ngày 19 và 20/12 để thông qua lần cuối cùng kết quả trên. Song, tối 17/12, các bộ trưởng tài chính 17 nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã họp để thảo luận về những chi tiết cuối cùng của SRM trước khi gặp các đồng cấp của họ thuộc 11 nước thành viên EU không sử dụng đồng euro. /.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục