EU đặt mua 220.000 liệu trình điều trị COVID-19 của GlaxoSmithKline

Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Sotrovimab của GlaxoSmithKline để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ đến trung bình và có nguy cơ chuyển biến nặng hơn.
Liệu pháp điều trị kháng thể Sotrovimab cho bệnh nhân COVID-19, do Công ty dược GlaxoSmithKline (Anh) và Công ty Vir Biotechnology (Mỹ) sản xuất. (Ảnh: The National/TTXVN)

Ngày 28/7, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã ký một thỏa thuận với công ty dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh về việc cung cấp lên đến 220.000 liệu trình thuốc Sotrovimab điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng mà hãng này đang phát triển.

GlaxoSmithKline cùng ngày cũng đã xác nhận thỏa thuận này. 

Theo EU, thuốc Sotrovimab, do GlaxoSmithKline phối hợp với công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ nghiên cứu và phát triển, có thể sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, không cần thở oxy, nhưng có nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn.

Hiện Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành đánh giá tính hiệu quả của loại thuốc này.

Trước đó, Mỹ cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Sotrovimab để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ đến trung bình và có nguy cơ chuyển biến nặng hơn.

[Mỹ cấp phép khẩn cấp thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể]

Thỏa thuận trên được 16/27 quốc gia thành viên EU ủng hộ, những nước chỉ có thể mua thuốc Sotrovimab sau khi được EMA hoặc cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia cho phép lưu hành. Giá trị hợp đồng hiện chưa được thông báo. 

Trước đó, tháng 4 vừa qua, EU cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ về việc đặt mua 55.000 liều thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng tiềm năng do hãng này phối hợp với công ty dược phẩm Regeneron của Mỹ phát triển. 

Đến nay, ngoài liệu pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, EU chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc chống COVID-19 đã mua là Remdesivir của hãng Gilead, một loại thuốc kháng virus.

Năm ngoái, EU đã đặt mua 500.000 liệu trình thuốc Remdesivir sau khi cấp phép sử dụng loại thuốc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục