Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc Mỹ duy trì đóng góp ngân sách cho các cơ quan của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh trên thực tế, công tác cứu trợ có ý nghĩa quan trọng với hòa bình hơn cả việc chi tiêu cho quốc phòng.
Thông điệp này đã được bà Federica Mogherini, quan chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đưa ra ngày 9/5 trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tại cuộc họp, bà Mogherini cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của EU đối với thỏa thuận hạt nhân của Iran và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên họp có sự tham dự của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, bà Mogherini khẳng định sự cần thiết của việc các bên cần duy trì đóng góp tài chính cho hoạt động của các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc bởi điều này có vai trò thiết yếu đối với hòa bình toàn cầu giống như chi tiêu quốc phòng và thậm chí đôi lúc còn hơn thế.
Theo bà Mogherini, việc hỗ trợ Liên hợp quốc là một khoản đầu tư quan trọng cho an ninh các nước châu Âu, đồng thời nêu rõ các khoản đóng góp tự nguyện của các nước này chiếm một nửa tổng ngân sách của Liên hợp quốc.
[EU và Mỹ ngày càng xa cách sau khi ông Donald Trump làm Tổng thống]
Bà Mogherini nhấn mạnh EU đã đóng góp tài chính hiệu quả cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Liên hợp quốc, khi chiếm tới 22% trong 5,4 tỷ USD ngân sách cơ bản và 28,5% trong 7,9 tỷ USD ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc cắt giảm mạnh ngân sách cho ngoại giao và các khoản viện trợ nước ngoài, đồng thời tìm cách tăng 54 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng.
Về Hiệp định Paris, bà Mogherini bày tỏ hy vọng Mỹ vẫn duy trì cam kết với thỏa thuận này, đồng thời nêu rõ các bên ký kết đều phát triển các kế hoạch hành động riêng nhằm đáp ứng các quy định về khí thải.
Theo bà Mogherini, Mỹ hoàn toàn có thể tìm ra cách thức riêng để vẫn là một phần của hiệp định mà thế giới đã cùng nhau nhất trí./.