EU kháng cáo phán quyết hành vi trốn thuế của Tập đoàn Apple

Liên minh châu Âu (EU) đã kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu về phán quyết của một tòa án châu Âu hủy bỏ yêu cầu tập đoàn Apple phải trả lại 13 tỉ euro (khoảng 15 tỉ USD) tiền thuế cho Ireland.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: France24)

Ngày 25/9, Liên minh châu Âu (EU) đã kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) về phán quyết của một tòa án châu Âu hủy bỏ yêu cầu tập đoàn Apple phải trả lại 13 tỉ euro (khoảng 15 tỉ USD) tiền thuế cho Ireland.

Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager nêu rõ: "Ủy ban châu Âu (EC) coi phán quyết của Tòa sơ thẩm châu Âu mắc một số sai sót về luật".

Trong khi đó, Tập đoàn Apple cho rằng việc EU kháng cáo sẽ không làm thay đổi được phán quyết của Tòa sơ thẩm châu Âu chứng minh rằng tập đoàn này luôn tuân thủ luật pháp ở Ireland, cũng như ở những nước mà tập đoàn này hoạt động.

Dự kiến, Tòa án Công lý châu Âu sẽ xem xét và ra phán quyết vào năm 2021.

Trước đó, vào tháng 8/2016, EC đã quyết định phạt tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ số tiền 13 tỷ euro về hành vi trốn thuế tại Ireland. Đây được coi là mức án phạt cao nhất trong lịch sử của EU. EU đã tiến hành điều tra trong 3 năm về các thỏa thuận ưu đãi thuế giữa Apple và Ireland. Kết quả cho thấy tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới này đã dàn xếp với Chính phủ Ireland để tránh các hóa đơn đóng thuế.

[Apple đối mặt với các vụ điều tra tại nhiều bang của Mỹ]

Theo bà Margrethe Vestager, Dublin đã dành những ưu đãi thuế bất hợp pháp, hay còn gọi là "các thỏa thuận ưu ái", cho Apple, qua đó tiếp tay cho hãng này trốn thuế trong nhiều năm. Quan chức EU này còn chỉ rõ cùng các thỏa thuận với Chính phủ Ireland, mức thuế mà Apple phải đóng rất thấp, chỉ ở mức 0,005% trên tổng lợi nhuận của hãng này tại EU vào năm 2014. Như vậy, Apple chỉ phải trả 50 euro tiền thuế cho mỗi 1 triệu euro lợi nhuận.

Cả Ireland và Apple đều phản đối quyết định trên và kháng cáo. Trong phán quyết mới nhất, Tòa sơ thẩm châu Âu cho rằng EC đã không chứng minh được rằng các chi nhánh của Apple tại Ireland được hưởng lợi kinh tế thông qua hành động hỗ trợ của chính phủ nước này.

Phán quyết của Tòa sơ thẩm châu Âu được cho là sẽ làm suy yếu hoặc trì hoãn các vụ kiện của EU chống lại các thỏa thuận của các "đại gia" Ikea và Nike với Hà Lan, Huhtamaki với Luxembourg. Trước Apple, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ là Starbuck và hãng sản xuất ô tô Fiat cũng chịu mức phạt lên tới 30 triệu euro (tương đương 34 triệu USD) về hành vi trốn thuế lần lượt tại hai quốc gia nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục