Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/8 đã bất đồng về yêu cầu từ bỏ điều khoản “chốt chặn” mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trước những quan ngại ngày càng tăng về nguy cơ bất ổn do việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại hậu Brexit.
Anh khẳng định hiện không có triển vọng về khả năng đạt được một thỏa thuận Brexit nếu điều khoản “chốt chặn” không được hủy bỏ sau khi Brussels cho biết London vẫn không thể đưa ra một giải pháp thay thế khả thi.
Trong bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 19/8, ông Johnson khẳng định Anh không thể chấp nhận cái mà ông gọi là điều khoản "chốt chặn phi dân chủ," một cơ chế nhằm tránh các biện pháp kiểm soát biên giới giữa Ireland, quốc gia thành viên của EU, và Bắc Ireland thuộc Anh.
Kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh hồi tháng 7/2019, ông Johnson tuyên bố nước Anh sẽ rời EU vào đúng ngày 31/10 và đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho kịch bản Brexit “không thỏa thuận,” điều sẽ gây ra những gián đoạn đáng kể trong hoạt động kinh tế.
Tuy vậy, Ủy ban châu Âu (EC) bác bỏ đề xuất trên, trong đó cho rằng có thể thay thế điều khoản “chốt chặn” bằng một “cam kết” để tìm ra những “dàn xếp thay thế.”
[Thủ tướng Đức bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit]
Theo người phát ngôn của EC Natasha Bertaud, bức thư của ông Johnson đã không cung cấp một giải pháp mang tính pháp lý để ngăn chặn việc áp dụng trở lại biên giới cứng ở Ireland.
Trong khi đó, ngày 20/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đồng thời kêu gọi "các giải pháp thiết thực" để giải quyết những quan ngại về điều khoản "chốt chặn" gây tranh cãi hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước Bắc Âu sau khi tham dự hội nghị ở thủ đô Reykjavik của Iceland, Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định 27 nước thành viên EU đều đã nhất trí với thỏa thuận Brexit, do vậy việc tiến hành đàm phán lại thỏa thuận này là không cần thiết.
Theo bà Merkel, một khi tìm ra được một giải pháp thiết thực để đảm bảo Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành tiếp tục được áp dụng, EU sẽ không cần tới điều khoản "chốt chặn" nữa./.