Lãnh đạo chính phủ nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết giữa các nước thành viên từ ngày 25/2, bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC) trước đó đề nghị 6 nước thành viên nới lỏng kiểm soát biên giới. EC cho rằng các biện pháp đơn phương chống dịch này đang làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa trên thị trường chung của 27 nước thành viên.
Nhiều nước thành viên EU cùng nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết giữa biên giới các quốc gia, khi cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn rất cao, trong khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng thách thức trong việc điều trị và bào chế vắcxin.
Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định các quốc gia vẫn cần áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, hiện EC đang tìm kiếm giải pháp chung để kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên EU. EC cho biết cơ quan này thông báo thời hạn 10 ngày để 6 nước gồm Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển điều chỉnh các biện pháp đơn phương cấm đi lại qua biên giới những nước này để chống dịch COVID-19.
[EC cảnh báo 6 nước đơn phương áp đặt hạn chế biên giới]
Ủy viên Tư pháp Didier Reynders gọi những biện pháp của 6 nước này là "quá mạnh tay". Trong khi đó, một người phát ngôn EC nhận định EU đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra những sự rạn nứt và chia rẽ về vấn đề tự do đi lại cũng như chuỗi cung ứng - những vấn đề lặp đi lặp lại trong nhiều tuần qua.
Bộ trưởng phụ trách các các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết nước này và Pháp đã đồng ý với thời hạn 48 giờ để phối hợp các biện pháp y tế, ví dụ như tăng cường xét nghiệm ở khu vực Moselle, nhằm tránh việc phải đóng cửa biên giới tại đây.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng biên giới nội bộ giữa các nước EU nên được duy trì mở cửa. Năm ngoái, Tổng thống Macron từng phản đối Đức đóng cửa biên giới trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz kêu gọi EU đưa ra các "tiêu chuẩn chung về đi lại và lưu thông hàng hóa" nhằm đảm bảo chức năng của thị trường./.