EU vẫn có thể thành công trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19

EU có thể đạt các mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 của quý đầu tiên năm 2021, bất chấp nguồn cung cấp vaccine AstraZeneca bị chậm trễ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Dronero, Italy ngày 13/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/3, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ châu Âu Thierry Breton cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt các mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 của quý đầu tiên năm 2021, bất chấp nguồn cung cấp vaccine AstraZeneca bị chậm trễ.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy viên Breton khẳng định việc AstraZeneca chậm giao vaccine không đồng nghĩa với sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng quý đầu tiên của năm nay, cho biết Pfizer đang sản xuất nhiều hơn dự kiến và dây là cơ hội để bù đắp việc thiếu hụt nguồn cung vaccine.

[Pháp 'sơ tán' các bệnh nhân COVID-19 nặng khỏi vùng thủ đô Paris]

Hôm 10/3, Ủy ban châu Âu đã công bố thỏa thuận với Pfizer-BioNTech về việc bổ sung 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và số vaccine này sẽ được giao vào cuối tháng.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine hiện nay tại EU, một số nước thành viên đã tự quyết định các đơn đặt hàng riêng lẻ.

Số ca mắc mới tại Israel tiếp tục giảm
 
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một tuần sau khi Chính phủ Israel mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, số ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm nhờ hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine.

Thông báo mới nhất của Bộ Y tế Israel cho biết, số ca mắc mới trong ngày 13/3 là 773 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 và giảm mạnh so với mức trung bình hàng tuần là 1.864 ca.

Trong số 27.000 xét nghiệm được thực hiện trong ngày, chỉ có 2,9% cho kết quả dương tính, so với mức trên 10% ở thời kỳ cao điểm.

Giáo sư Eran Segal, thành viên Ban cố vấn phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Israel cho hay số ca mắc mới đang giảm tương đương 30% mỗi tuần.

Ngoài ra, chỉ số lây nhiễm R (đo tỷ lệ lây nhiễm của một bệnh nhân ra cộng đồng) cũng giảm còn 0,78, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1,1 tại thời điểm kết thúc đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 2 hồi tháng 10 năm ngoái, khi Israel chưa thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19.

Đến nay, đã có khoảng 5,13 triệu người dân Israel (trên tổng số hơn 9 triệu dân) đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine, trong khi số người tiêm đủ hai mũi là 4,12 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục