EURO 2016: Tiếp tục nỗi lo khủng bố và đình công tại Pháp

Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày khai mạc EURO 2016, nhưng đến nay nỗi lo an ninh và làn sóng đình công chưa có hướng giải quyết tiếp tục phủ bóng đen lên nước chủ nhà Pháp.
Làn sóng đình công ở Pháp chưa có hướng giải quyết tiếp tục phủ bóng đen lên Vòng chung kết EURO 2016. (Nguồn: Reuters)

Nỗi lo an ninh và làn sóng đình công chưa có hướng giải quyết tiếp tục phủ bóng đen lên Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016, sẽ chính thức khởi tranh tại Pháp trong hai ngày tới.

Lễ hội bóng đá sôi động nhất "Lục địa già" 4 năm mới có 1 lần này sắp diễn ra tại Pháp nơi mà chỉ 7 tháng trước đó đã xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến 130 người thiệt mạng tại thủ đô Paris.

Nhiều lời cảnh báo về nguy cơ EURO 2016 trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố đã được đưa ra ngay trước lễ khai mạc, khiến nhiều người hâm mộ không khỏi lo lắng. Mới đây, hậu vệ kỳ cựu Jerome Boateng của đội tuyển Đức đã trở thành cầu thủ đầu tiên tuyên bố gia đình anh sẽ không tới các sân vận động vì lí do an ninh.

Trước nỗi lo khủng bố, Chính phủ Pháp ngày 8/6 đã cho ra mắt một phần mềm mới miễn phí trên điện thoại thông minh bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, có chức năng cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố và các tình huống an ninh khẩn cấp, với hy vọng ứng dụng mới sẽ giúp người sử dụng tiếp nhận và phổ biến các thông tin tin cậy, chính thống về tình hình an ninh trên các mạng truyền thông xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ Pháp hiện đang đối mặt với một tuần lễ khó khăn khi làn sóng đình công tiếp tục dâng cao, phản đối những cải cách lao động gây tranh cãi tại nước này. Đình công khiến các cơ sở xử lý rác thải ở Paris phải đóng cửa và gây nên tình trạng ô nhiễm tại 10/20 quận của thủ đô Paris.

Trong khi đó, hàng trăm nhà hoạt động công đoàn đã tụ tập biểu tình và đốt lửa tại nhà ga Gare du Nord - điểm khởi hành của các chuyến tàu Eurostar tới Anh và các dịch vụ khác tới Bắc Âu, khiến giao thông tại đây bị đình trệ.

Thăm dò dư luận mới đây cho thấy 54 % người Pháp tỏ ra mệt mỏi và phản đối làn sóng đình công, biểu tình hiện nay. Mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt và thái độ cứng rắn của các tổ chức công đoàn, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết không rút lại dự luật cải cách lao động vì cho rằng những biện pháp này giúp giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% tại quốc gia này. Sự đối đầu quyết liệt đó đã dẫn đến bầu không khí xã hội căng thẳng đe dọa tác động tiêu cực tới việc tổ chức EURO 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục