Facebook nên lập đội kiểm tra tính xác thực của thông tin?

Theo trang Poynter, để giải quyết những thiếu sót về biên tập, Facebook chỉ cần thuê một đội ngũ chuyên kiểm tra tính xác thực của thông tin là đủ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Những lời chỉ trích đang đổ dồn lên Facebook sau một thiếu sót về biên tập vào thứ hai vừa qua đã dẫn tới một sai sót liên quan tới tính năng Chủ đề Thịnh hành (Trending Topic) của trang mạng xã hội này (Facebook đã đánh dấu một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt về người dẫn chương trình Megyn Kelly của kênh Fox News).

Theo trang Poynter, để giải quyết vụ việc lần này, Facebook chỉ cần thuê một đội ngũ chuyên kiểm tra tính xác thực của thông tin là đủ. Đội ngũ này cũng không cần quá cồng kềnh: một đội khoảng 10 người hoàn toàn có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ này.

Những người chuyên kiểm tra thông tin sẽ không can thiệp vào những bài đăng và trang cá nhân. Tuy nhiên, những trang và bài viết công cộng thì khác.

Đội ngũ này sẽ ưu tiên những trang tự phân loại vào nhóm các trang "Truyền thông/Tin tức/Xuất bản," cũng như bất kỳ bài đăng nào thu hút được nhiều người xem hoặc được nhiều người biết tới.

Vậy cụ thể nhóm kiểm tra thông tin của Facebook sẽ phải làm gì? Dưới đây là những nhiệm vụ có thể được giao cho nhóm này:

1. Loại bỏ những nguồn thông tin thường xuyên công bố các tin tức giả. Facebook có thể áp dụng chính sách "quá tam ba bận" để làm giảm độ phát tán của các trang thường xuyên dẫn liên kết tới những câu chuyện bịa đặt trên trang của họ.

Một khi đã đạt tới số tin tức giả theo quy định, độ phát tán của một trang sẽ bị giảm thiểu chỉ còn 1/10 so với tầm ảnh hưởng thực sự của nó.

Theo Craig Silverman, nhân viên kiểm tra thông tin của Buzzfeed, các trang web tin tức giả đang thử nghiệm mô hình kinh doanh tương tự như những đơn vị tin tức chính thống. Giảm thiểu lượng truy cập mà các trang web này thu được thông qua Facebook sẽ giúp hạn chế lợi ích thu được từ việc đăng những bài viết thiếu xác thực.

2. Giảm đáng kể độ phát tán của các bài viết đã được chứng minh là sai sự thật. Điều này đã và đang được Facebook thực hiện, tuy nhiên hệ thống hiện hành vẫn còn tồn tại ít nhất 2 vấn đề.

Trước hết, việc phát hiện ra các bài viết sai sự thật vẫn phụ thuộc vào người dùng chứ không phải những người kiểm tra chuyên nghiệp, và người dùng có thể không chính xác hoặc có những động cơ khác khi đánh dấu các nội dung vi phạm.

Ngoài ra, Facebook cũng không nêu rõ mức phạt về độ phát tán của các tin tức giả, cũng như không giải thích cho người dùng hiểu tại sao các bài viết này lại bị hạn chế. Lẽ ra phần ghi chú "nhiều người trên Facebook đã báo cáo rằng bài viết này có chứa thông tin sai lệch" phải được viết bằng màu đỏ tươi và trình bày rõ ràng hơn.

3. Phát hiện ra những bài viết đã được kiểm tra tính xác thực trước đó và đính kèm theo bài viết gốc phần kiểm tra tính xác thực có liên quan, tương tự như cơ chế chia sẻ các trang hoặc bài viết liên quan hiện nay.

Điều này chỉ có thể được áp dụng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, khi thông tin trong bài viết là hoàn toàn sai sự thật.

Facebook có ủng hộ ý tưởng này hay không? Vào đầu tuần qua tại Rome, Zuckerberg đã nhấn mạnh rằng anh không muốn Facebook trở thành một tổ chức truyền thông. Dù điều này có xảy ra hay không, thì việc thuê những người kiểm tra thông tin chuyên nghiệp cũng không ảnh hưởng gì tới tầm nhìn của Zuckerberg.

Trên thực tế, điều này còn củng cố cho "Giá trị Bảng tin" của Facebook, trong đó khẳng định rằng trải nghiệm về mạng xã hội này sẽ "cung cấp cho người dùng nhiều thông tin."

Ngoài ra, điều này cũng sẽ trở thành ví dụ điển hình về phản ứng của một công ty tư nhân trước những lo ngại từ phía người dùng của họ về độ tin cậy của thông tin được cung cấp trên mạng xã hội. Quan trọng nhất là giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng sai lệch thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục