Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất dù áp lực lạm phát đã giảm

Theo người đứng đầu Fed Jerome Powell, tình trạng lạm phát cao sẽ không chấm dứt nhanh chóng và cơ quan của ông sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn.
Trụ sở Fed ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/2, hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nếu thị trường việc làm của Mỹ được củng cố hơn trong những tháng tới, hoặc chỉ số lạm phát tăng nhanh, Fed có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất cơ bản cao hơn so với dự kiến hiện tại.

Nhận xét của ông Powell được đưa ra sau một bản báo cáo “bom tấn” của Chính phủ Mỹ, được công bố vào tuần trước. Báo cáo này chỉ ra rằng các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng 1, gần gấp đôi mức tăng của tháng 12. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống còn 3,4%, là mức thấp nhất 53 năm qua.

Trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế Washington, ông Powell tuyên bố: “Thực tế là nếu tiếp tục nhận được những tin tức cho thấy thị trường lao động vững mạnh, hoặc báo cáo lạm phát ở mức cao hơn, chúng ta có thể phải tăng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến hiện nay”.

Mặc dù áp lực về giá đang giảm bớt và Powell dự đoán lạm phát sẽ giảm “đáng kể” trong năm nay, nhưng ông vẫn cảnh báo rằng ngân hàng trung ương mới chỉ nhìn thấy “giai đoạn đầu của quá trình giảm phát”. Vẫn còn cả một chặng đường dài còn ở phía trước, ông nhận định.

Ngay cả khi Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên đáng kể, thêm 4,5 điểm phần trăm, lên ngưỡng từ 4,5% đến 4,75% - mức tăng nhanh nhất trong vòng bốn thập kỷ - thị trường lao động Mỹ vẫn tiếp tục đi lên.

Thêm vào đó, lạm phát dù vẫn còn cao nhưng đã giảm xuống mức 6,5% vào tháng 12 năm ngoái. Để so sánh, hồi tháng 6/2012, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 9,1%.

Lạm phát chậm lại, ngay cả khi nền kinh tế đã ổn định, làm dấy lên hy vọng trên thị trường tài chính rằng Fed có thể đạt được mục tiêu của mình mà không cần phải tăng lãi suất cho vay cao đến mức gây ra suy thoái nghiêm trọng.

Nhưng ông Powell đã gạt quan điểm đó sang một bên.  “Người ta kỳ vọng rằng nó (lạm phát) sẽ biến mất nhanh chóng và không gây tổn hại gì. Tôi không nghĩ điều này được đảm bảo hoàn toàn,” ông nói.

Thay vào đó, Powell cảnh báo rằng, theo ước tính của ông, sẽ phải mất một thời gian nữa và Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa rồi mới có thể xem xét lại để biết đã làm đủ hay chưa.

[Fed tăng lãi suất lần thứ 8: Không đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam]

Lạm phát chậm lại cùng thời điểm tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống - một xu hướng thách thức hầu hết các mô hình kinh tế. Powell cho biết hiện tượng này phản ánh bản chất độc đáo của nền kinh tế Mỹ hậu đại dịch COVID-19. “Nó chỉ làm rối tung mọi nỗ lực dự đoán về những gì có thể xảy ra”, ông nói.

Nhận xét của ông Powell trong ngày 7/2 đã tiếp nối một lưu ý mà ông đưa ra trong cuộc họp báo vào tuần trước. Trò chuyện với các phóng viên sau buổi phỏng vấn, Powell nhấn mạnh rằng lạm phát cao đã bắt đầu giảm bớt và ông tin rằng Fed có thể kiểm soát tình trạng giá cả tăng vọt mà không gây ra suy thoái sâu sắc, liên quan đến làn sóng sa thải hàng loạt nhân viên đang diễn ra ở nhóm các công ty công nghệ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed cũng cảnh báo thị trường việc làm vẫn mất cân bằng. Nhu cầu lao động tăng cao, trong khi nhiều ngành có quá ít công nhân đã khiến các nhà tuyển dụng tăng lương đột ngột. Xu hướng này có thể thúc đẩy việc lạm phát bị giữ ở mức cao.

Một số quan chức Fed đã nói rằng báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi khiến nhiều khả năng ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất cơ bản và điều này ảnh hưởng đến lãi suất của nhiều khoản vay tiêu dùng và doanh nghiệp.

Cũng trong ngày 7/2, trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari nói rằng, việc tuyển dụng tăng mạnh trong tháng 1 cho thấy các mức lãi suất cao hơn của Fed cho đến nay chỉ có tác dụng hạn chế trong việc làm nền kinh tế Mỹ chậm lại.

“Chúng ta cần tăng lãi suất một cách mạnh mẽ để hạn chế lạm phát. Sau đó, hãy để chính sách tiền tệ vận hành theo cách của nó thông qua nền kinh tế”, bà nói.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế không đồng ý với cách tiếp cận của Fed và cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã phân tích có chọn lọc các dữ liệu.

Nhà kinh tế học Dean Baker thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách kinh tế cho rằng, Fed nên trì hoãn các đợt tăng lãi suất tiếp theo cho đến khi có được bức tranh rõ ràng hơn về nền kinh tế.

Các nhà kinh tế quốc tế cũng đã cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, cho rằng điều này có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái không cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục