Nhằm tăng cường siết chặt hoạt động quản lý ngân hàng nước ngoài cũng như tránh nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008, ngày 18/2, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông qua các quy định nghiêm ngặt mới về vốn và tính thanh khoản đối với các định chế tài chính nước ngoài muốn hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Các định chế tài chính nước ngoài sở hữu tài sản từ 50 tỷ USD trở lên tại Mỹ sẽ có thời hạn hơn một năm để thay đổi và bắt kịp với các quy định mới.
Theo luật mới, Fed ước tính khoảng 15 đến 20 ngân hàng lớn sẽ phải thành lập các công ty cổ phần trung gian với một mức vốn tối thiểu nhằm tạo ra một "tấm đệm" ngăn ngừa và ứng phó kịp thời với những rủi ro và thua lỗ có thể xảy ra. Các công ty cổ phần này sẽ phải sở hữu một số tài sản có tính thanh khoản cao nhằm giúp các ngân hàng nhanh chóng huy động tiền mặt trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, cũng giống như những ngân hàng của Mỹ, các thể chế tài chính này cũng sẽ buộc phải trải qua các bài kiểm tra "sức khỏe" nghiêm ngặt của Fed về sức chịu đựng nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Trong trường hợp một ngân hàng nước ngoài không vượt qua các bài sát hạch này, Fed sẽ có quyền yêu cầu công ty này không được tiếp tục chi trả cổ tức, thậm chí cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Thời hạn chót để các ngân hàng nước ngoài đáp ứng các quy tắc mới là ngày 1/7/2016.
Ngay sau khi Fed thông báo quyết định trên, một số ngân hàng nước ngoài lớn đang hoạt động tại Mỹ như Deutsche và Barclays đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là điều không cần thiết bởi việc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các định chế tài chính này đã được các cơ quan thẩm quyền ở nước họ kiểm tra một cách nghiêm ngặt.
Một số người cũng cảnh báo việc Fed áp đặt các quy định mới này sẽ làm gián đoạn sự lưu thông dòng vốn trên thế giới, thậm chí khiến các ngân hàng nước ngoài hạn chế các hoạt động tại Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trước những lời chỉ trích trên, ông Daniel K. Tarullo, Thống đốc chuyên thẩm định các quy định của Fed, cho rằng thay vì làm gián đoạn dòng vốn, việc củng cố thể trạng của các ngân hàng trong nước và nước ngoài sẽ giúp đảm bảo dòng vốn có thể tiếp tục lưu thông trong thời kỳ kinh tế khó khăn cũng như đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động thông suốt, góp phần duy trì sự ổn định của kinh tế Mỹ.
Cũng theo ông Tarullo, quyết định tăng cường siết chặt các quy định về vốn đối với các định chế tài chính nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc cải tổ các quy định sau các cuộc khủng hoảng tài chính, giúp các ngân hàng có thể tồn tại vững chắc trước nguy cơ đổ vỡ tín dụng.
Giới phân tích nhận định quyết định trên của Fed được xem là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng nước ngoài có thể lợi dụng các kẽ hở về quy định vốn nhằm gia tăng tính cạnh tranh so với các định chế tài chính trong nước, đồng thời góp phần chấm dứt những rủi ro có thể đẩy thị trường tài chính Phố Wall đến bờ vực sụp đổ như hồi năm 2008.
Vào thời điểm đó, hàng loạt ngân hàng và các thể chế tín dụng tại Mỹ cạn kiệt vốn đã bị phá sản hoặc phải viện tới các khoản cứu trợ của Chính phủ Mỹ để thoát hiểm./.
Fed: Không có đe dọa lớn nào đối với kinh tế Mỹ
Tân Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen cho rằng thời điểm trước
mắt không có bất kỳ mối đe dọa lớn nào đối với viễn cảnh kinh tế Mỹ.