Ngày 19/12, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo tăng lãi suất thêm 0,25% sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Đây là lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Fed.
Được biết, hiện lãi suất của Fed ở mức 2,5%. Quyết định tăng lãi suất của Fed nằm trong đúng lộ trình tăng lãi suất theo từng bước. Theo Fed, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng với tỷ lệ tốt trong khi thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện.
[Mỹ tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm với mức tăng 0.25%]
VND mất giá gần 2,6%
VND từ đầu năm đến nay đã chịu sức ép từ tỷ giá, trong năm 2018, tỷ giá ít nhất 3 lần điều chỉnh tăng, nếu so với ngày 1/1/2018 tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 22.735 đồng và ngày hôm nay (20/12) ngân hàng này niêm yết bán ra ở mức 23.325 đồng, như vậy tỷ giá đã tăng 2,6%.
Đợt điều chỉnh tăng mạnh nhất là vào đầu tháng 12, trong khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng liên tục thì bên cạnh đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng biến động mạnh tới 40 đồng, đã có thời điểm tỷ giá lên cao nhất ở mức là 23.395 đồng (bán ra).
Bình luận về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến tỷ giá tăng liên tiếp và tăng cao nhất từ đầu năm đến nay là do thời điểm cuối năm nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn khi nhiều doanh nghiệp đã đến hạn phải thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa cho các đối tác cũng như trả nợ các khoản vay ngoại tệ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng phân tích đồng USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng và Trung Quốc có xu hướng dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, thường trước Tết Nguyên đán trong chu kỳ tăng nên có lẽ tất cả từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng thương mại đều lên kịch bản để đối phó với trường hợp nhu cầu ngoại hối tăng.
Việc Fed tăng lãi suất cũng đúng vào dịp các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cung cầu cho Tết Nguyên đán và chuẩn bị nguồn tiền để trả lương thưởng cho cán bộ công nhân viên vì vậy các chuyên gia kinh tế lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và khả năng lãi suất cũng sẽ phải tiếp tục tăng.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018.
Việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Mặc dù Fed sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất vào năm 2019 nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần. Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Báo Việt cho rằng áp lực đối với VND trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018. Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng VND được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Thị trường xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbringt Việt Nam cũng đưa ra phân tích, việc Fed tăng lãi suất là dự đoán của thị trường và tác động của việc tăng lãi suất này cũng được các nhà hoạch định tính và định giá trên thị trường chứng khoán.
Đây là một chính sách trong lộ trình thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế Mỹ nhưng cũng có tác động đối với thị trường Việt Nam. "Nếu muốn ổn định tỷ giá thì lãi suất tiền đồng cũng phải điều chỉnh tăng. Nhìn vào 2019, trước mắt phải đợi động thái của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực này liệu có điều chỉnh chính sách lãi suất hay không, nếu có điều chỉnh thì tôi nghĩ cũng ở mức khiêm tốn," ông Thành nhận định.
Vừa qua trên thị trường tiền tệ và tài chính Việt Nam quan sát thấy lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đặc biệt là các kỳ hạn dài cũng đã điều chỉnh tăng lên và các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn cũng ghi nhận lãi suất cho tăng tăng lên, đây là tác động đầu tiên nhưng vì đã được tính toán nên không gây xáo trộn nhiều.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, có lạc quan thì kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường xuất khẩu lớn này có thể chậm lại. Năm nay Việt Nam tăng trưởng rất tốt, năm 2019 có thể tăng trưởng thấp hơn so với 2018.
Cũng có chung nhận định, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết, Fed tăng lãi suất tức là làm cho đồng USD tăng giá và cũng là dấu hiệu làm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục giảm. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm sau chỉ đạt 2,5% so với năm nay là 2,9%.
Ông Nghĩa cho rằng, VND nếu neo vào đồng USD mà đồng USD tăng giá thì VND cũng sẽ tăng giá. Như vậy có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới, tức là đồng VND sẽ tăng giá so với những đồng tiền khác đặc biệt là những đồng tiền của các đối tác thương mại ngoài Mỹ. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ để xử lý, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác như EU, Trung Quốc, Nhật Bản khi mà chúng ta tham gia vào FTA.
"Tác động của Fed tăng lãi suất cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo hướng tiêu cực hơn. Ngoài ra, làm cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng phải thận trọng hơn. Trong khi đó, lãi suất VND cũng phải chịu sức ép nếu như các ngân hàng muốn duy trì tỷ giá hối đoái như cũ, nghĩa là sẽ phải tăng lãi suất. Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước," ông Nghĩa phân tích thêm./.