Fed tăng lãi suất liệu có khiến thị trường phản ứng cực đoan?

Fed và BoJ có vai trò ngày càng lớn trong các thị trường tài sản. Điều đó làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn khi các ngân hàng trung ương bắt đầu bán dần những tài sản mà họ nắm giữ.
Cuốn sách nổi tiếng "Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản." (Nguồn: amazon)

Chuyên gia William Pesek, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản," nhận định rằng nhà đầu tư khi gặp khó khăn trong việc ra quyết định thường "du hành ngược thời gian" để tìm kiếm hướng đi.

Họ thường nhìn lại diễn biến thị trường trong quá khứ để dự đoán xu hướng tiềm năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, chiến lược này giờ đây không còn hiệu quả.

"Taper tantrum" là thuật ngữ chỉ hành động Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dần rút lại các kích thích tiền tệ khiến thị trường có những phản ứng mạnh mẽ. Đây là trạng thái thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi lao dốc, nguyên nhân là do nhà đầu tư quốc tế rút vốn khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng ngay sau khi Fed phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất.

Sự kiện "Taper tantrum" năm 2013 - diễn ra khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt - luôn được coi là bài học lịch sử cho giới đầu tư toàn cầu.

Ngược lại dòng thời gian, sau khi tập đoàn tài chính Lehman Brothers sụp đổ và kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0 và khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế. Vào cuối năm 2013, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đó là ông Ben Bernanke đã gợi ý về khả năng bình thường hóa chính sách tiền tệ, giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu của Mỹ sau 5 năm áp dụng.

Tại cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, các quan chức Fed đã quyết định giữ mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức gần bằng 0, vốn đã được áp dụng từ hồi tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên toàn nước Mỹ và thúc đẩy việc mua 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD trái phiếu thế chấp hàng tháng.

Mặc dù vẫn duy trì quan điểm chính sách của mình, trước viễn cảnh sự phục hồi kinh tế nhanh và áp lực lạm phát gia tăng, Fed đã thay đổi thời điểm dự kiến tăng lãi suất, theo kế hoạch là vào năm 2023, cũng như hé lộ khả năng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế thông qua việc mua trái phiếu.

[Các ngân hàng Mỹ “ngóng chờ” kết quả sát hạch thường niên của Fed]

Trong bối cảnh quan ngại về lạm phát đang ngày càng gia tăng khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19, các cuộc thảo luận về khả năng xảy ra "Taper tantrum 2.0" lại nóng lên.

Chuyên gia William Pesek nhận định thế giới chưa bao giờ thoát khỏi một đại dịch mà giá cả của hầu hết mọi mặt hàng đều tăng vọt, giữa một không gian chính sách lãi suất siêu lỏng trong 12 năm qua.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy chính trị đang nổi lên, các chuỗi cung ứng toàn cầu gắn kết với nhau trong một hệ sinh thái phức tạp, cuộc chạy đua giữa các quốc gia trong nỗ lực in thêm tiền dự trữ, các cuộc chiến thương mại chồng chéo và môi trường truyền thông xã hội độc hại với nhiều thông tin sai lệch. Khác với năm 2013, lần này, không chỉ Fed rút lại các biện pháp kích thích kinh tế mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể cùng hành động tương tự.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) dự kiến sẽ giảm quy mô mua tài sản. Lạm phát đang quay trở lại và đồng nhân dân tệ đã tăng giá gần 9% trong năm qua, các điều kiện hiện nay phù hợp với những suy đoán này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), quốc gia tiên phong trong việc triển khai QE vào năm 2001, cũng có thể chuẩn bị "đóng ví." Đầu tháng Sáu vừa qua, thành viên hội đồng chính sách BoJ Hitoshi Suzuki mong muốn hạn chế gia tăng số lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mà ngân hàng này mua do tác động tiềm tàng của chúng đến bảng cân đối kế toán của BoJ.

Ông Suzuki cho biết BoJ cần tiến hành mua vào theo quy mô lớn trong thời điểm thị trường bất ổn cao, nhưng hạn chế trong thời gian bình thường.

Khi thị trường chứng khoán Nhật Bản biến động mạnh vào đầu tháng Năm, BoJ đã không can thiệp để bình ổn thị trường thông qua việc mua chứng chỉ quỹ ETF. BoJ đã loại bỏ mục tiêu mua vào lượng chứng chỉ ETF trị giá khoảng 6.000 tỷ yen (khoảng 55 tỷ USD) mỗi năm, nhưng vẫn duy trì mức trần 12.000 tỷ yen cho các giao dịch loại này.

Trụ sở Fed tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, chuyên gia William Pesek chỉ ra rằng khả năng thu hẹp quy mô QE của BoJ dự kiến sẽ bị hạn chế bởi vấn đề lạm phát. Trong khi Mỹ và Trung Quốc lo ngại lạm phát gia tăng, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản chỉ tăng trong 1 tháng trong suốt 14 tháng gần đây. Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy BoJ "hãm phanh" ngay lập tức chương trình kích thích kinh tế đều có thể khiến đồng yen tăng giá mạnh, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.

Về phía Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương), Thống đốc Philip Lowe đã chuẩn bị những cơ sở để dần xoay trục khỏi sách lãi suất cực thấp. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở Wellington, với Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, ngân hàng trung ương), đang để ngỏ khả năng tăng dần lãi suất.

Trước tình hình này, nửa cuối năm 2021 có thể là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với các nước đang phát triển ở châu Á. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Steve Cochrane thuộc Moody's Analytics  mới đây đưa ra nhận định, lãi suất tại Mỹ cao hơn sẽ thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài, khiến các ngân hàng trung ương khác có thể phải tăng lãi suất của chính họ để "phòng thủ."

Động thái đó có thể giúp các quốc gia hạn chế dòng vốn quá lớn "chảy" khỏi nền kinh tế của họ, nhưng việc nâng lãi suất quá nhanh cũng sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Do đó, các quốc gia châu Á phải kiểm soát được đại dịch COVID-19 để một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, các nền kinh tế tại đây sẽ ổn định và có thể điều hướng quá trình chuyển đổi.

Chuyên gia William Pesek cũng chỉ ra rằng khu vực châu Á cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm từ những bài học năm 1997 và đã tích trữ được một lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Tính đến tháng Năm vừa qua, dự trữ của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực có giá trị vào khoảng 5.820 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2014 ngay sau sự kiện "Taper tantrum" mới nhất.

Một điểm đáng chú ý là Fed, BoJ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các cường quốc tiền tệ khác hiện đang có vai trò ngày càng lớn trong các thị trường tài sản. Fed và BoJ cũng có vai trò chi phối tương đối lớn trên thị trường chứng khoán của các nước này. Điều đó làm gia tăng rủi ro tiềm ẩn khi các ngân hàng trung ương bắt đầu bán dần những tài sản mà họ nắm giữ.

Bên cạnh đó, nợ công ở khắp mọi nơi đều đang ở mức cao chưa từng có. Không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia, mà cả ở Mỹ, với nợ công đang tiệm cận ngưỡng 30.000 tỷ USD. Rủi ro hệ thống này có thể khiến hậu quả "Taper tantrum 2.0" trở nên nguy hiểm hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục