Fed yêu cầu các đại gia ngân hàng tăng vốn phòng ngừa rủi ro

Fed yêu cầu các ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu (GSIB) bổ sung thêm 200 tỷ USD vào nguồn vốn cho các hoạt động tài chính rủi ro cao hoặc cắt giảm các hoạt động.
(Nguồn: Reuters)

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 20/7 đã nâng mức vốn dự trữ tối thiểu bắt buộc đối với nhóm tám ngân hàng lớn nhất nhằm hạn chế nguy cơ các thể chế này gặp rắc rối và ảnh hưởng tới hệ thống tài chính toàn cầu.

Về cơ bản, điều luật mới của Fed yêu cầu các ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu (GSIB) bổ sung thêm 200 tỷ USD vào nguồn vốn cho các hoạt động tài chính rủi ro cao hoặc cắt giảm các hoạt động này. Việc nâng mức vốn quy định sẽ giúp đảm bảo các GSIB có đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động ngay cả trong tình huống gặp rắc rối và bảo vệ hệ thống tài chính không bị tác động từ các rắc rối này.

Phát biểu tại một cuộc họp ngày 20/7, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết mục tiêu chính của điều luật tăng vốn là đảm bảo các ngân hàng sẽ không để khó khăn trong hoạt động của mình lan rộng ra toàn hệ thống tài chính. Điều luật mới đồng nghĩa với việc các ngân hàng lớn có hai lựa chọn, hoặc là tăng nguồn vốn dự trữ và giảm nguy cơ khủng hoảng, hoặc là thu hẹp quy mô hoạt động để khi gặp rủi ro sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới hệ thống tài chính.

Tám ngân hàng lớn nhất của Mỹ, thường được biết đến là các ngân hàng "không được phép vỡ nợ," bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon, Citigroup và State Street. Trong đó, chỉ có JPMorgan Chase hiện chưa đáp ứng được mức vốn mới và cần bổ sung 12,5 tỷ USD trước thời điểm tháng 1/2019 khi quy tắc mới chính thức có hiệu lực hoàn toàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng than phiền rằng yêu cầu tăng vốn là không công bằng và đặt các ngân hàng này vào thế yếu so với các đối thủ nước ngoài được hưởng mức quy định vốn dự trữ bắt buộc thấp hơn. Giới chuyên gia còn cho rằng điều lệ mới này sẽ khiến nền kinh tế mất đi hàng tỷ USD luân chuyển trên thị trường và giảm các khoản vay dành cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

Nguy cơ từ các GSIB đối với hệ thống tài chính trở nên rõ rệt trong cuộc khủng hoảng 2008, khi Chính phủ Mỹ buộc phải ra tay "chống lưng" cho một số thể chế tài chính lớn để bảo vệ các ngân hàng này khỏi thua lỗ quá nhiều. Từ đó tới nay, giới điều phối ngân hàng toàn cầu liên tục tìm cách nhận dạng các GSIB trong một phần nỗ lực bảo vệ hệ thống tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục