Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ

Fitch nêu rõ mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ gia tăng tại Mỹ đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công, tuy nhiên hy vọng các bên sớm đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.
Các đảng phái tại Mỹ vẫn chưa đạt được thống nhất về vấn đề nâng trần nợ công. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc trong giải quyết vấn đề trần nợ công.

Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực.

Fitch nêu rõ mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót sắp tới. Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và nguy cơ sớm vỡ nợ, có thể vào ngày 1/6 tới, với khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD, nếu Quốc hội không đình chỉ hoặc nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công không mang lại kết quả, khi hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này.

Trước đó, đại diện của Tổng thống Joe Biden và các nghị sỹ Cộng hòa tại quốc hội ngày 23/5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển, trong khi thời hạn nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ đang đến gần.

Các nhà đàm phán của Nhà Trắng, bao gồm bà Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách, và Cố vấn Tổng thống Mỹ Steve Ricchetti, đã gặp các đại diện từ đảng Cộng hòa trong hai giờ, nhưng sau đó rời đi mà không để lại bình luận đáng kể vào với truyền thông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 22/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc gặp, ông Biden đánh giá cuộc đàm phán với ông McCarthy hiệu quả, nhưng hai bên vẫn còn những điểm bất đồng.

Tương tự, phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng cho biết mặc dù chưa đạt được thỏa thuận, song cuộc thảo luận “hiệu quả” ở những điểm bất đồng.

Ông McCarthy cũng cho biết các nhà đàm phán sẽ làm việc xuyên đêm để thu hẹp khác biệt, đồng thời khẳng định ông và Tổng thống Biden sẽ thảo luận "hằng ngày" để tìm cách giải quyết vấn đề.

[Đàm phán trần nợ công của Mỹ không có dấu hiệu tiến triển]

Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sỹ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.

Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Các nghị sỹ Dân chủ muốn đóng băng chi tiêu cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng Mười ở mức đã được áp dụng vào năm 2023, và cho rằng làm như vậy là đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu vì ngân sách của các cơ quan sẽ không bắt kịp với lạm phát.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng ý tưởng này đã bị các nghị sỹ Cộng hòa phản đối, với mong muốn phải cắt giảm chi tiêu rõ ràng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất, cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.

Phía đảng Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.

Thỏa thuận nâng trần nợ công, nếu đạt được, phải được cả Thượng viện và Hạ viện phê duyệt trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật, và vì thế nó sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của hai đảng.

Hiện chưa rõ có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1/6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép Tổng thống tự nâng mức trần nợ công.

Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục