Ngày 13/10, các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí tán thành thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện hệ thống thuế doanh nghiệp, đồng thời cam kết duy trì nguồn hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế cũng như theo dõi chặt chẽ lạm phát.
Theo thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian đàm phán, kể từ năm 2023, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên.
Ước tính mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ thuế. Việc triển khai thỏa thuận trên giúp ngăn chặn tình trạng các công ty đa quốc gia chuyển đăng ký thuế sang những nước có mức thuế thấp hơn nhằm giảm số tiền phải đóng thuế.
Trong thông cáo chung cuối cùng, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 cũng kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập quỹ tín thác mới để phân bổ gói cứu trợ trị giá 650 tỷ USD cho thêm nhiều quốc gia dễ bị tổn thương.
Các nhà lãnh đạo tài chính G20 lưu ý rằng đà hồi phục kinh tế của các nước trên thế giới sau dịch COVID-19 vẫn chưa đồng đều và dễ bị tác động do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng tại các nước còn khá lớn.
[OECD thông báo thỏa thuận đột phá trong cải cách thuế toàn cầu]
Theo thông cáo chung, lãnh đạo tài chính các nước G20 khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các công cụ sẵn có trong thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn tác động của dịch bệnh và tránh chấm dứt sớm các biện pháp hỗ trợ tài chính.
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo tài chính cũng đề cập sức ép lạm phát cũng như tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và bày tỏ quan ngại về những thách thức này. Theo đó, các nhà lãnh đạo tài chính cam kết giám sát sự biến động về giá cả và sẽ hành động khi cần thiết để đảm bảo giá cả ổn định, đồng thời đánh giá tỷ lệ lạm phát cũng như thông báo rõ chính sách tài chính mới.
Trong buổi họp báo diễn ra cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Ignazio Visco cho hay tình trạng lạm phát tăng tại nhiều nước đang phát triển là do một số yếu tố mang tính tạm thời, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu chất bán dẫn, hoạt động vận tải đình trệ và các vấn đề khí hậu.
Ông Visco cho rằng những yếu tố này sẽ giảm, song sẽ mất nhiều tháng nữa, do vậy các nước cần phải sẵn sàng đối phó với những khó khăn sắp tới.
Các nhà lãnh đạo tài chính G20 cũng cam kết giải quyết tình trạng thiếu các công cụ chống dịch COVID-19 tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có vaccine phòng bệnh, các liệu pháp chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cuộc họp của các lãnh đạo tài chính G20 diễn ra tại Washington (Mỹ), bên kề Hội nghị thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), kéo dài từ ngày 11-17/10./.