G20 ra Tuyên bố Delhi nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Tuyên bố dày 37 trang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững và đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) lần thứ 18 tại New Delhi, lãnh đạo các nước đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố Delhi.

Tuyên bố dày 37 trang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.

Tuyên bố dự tính một hiệp ước phát triển xanh cho một tương lai bền vững, ủng hộ các nguyên tắc cấp cao về lối sống để phát triển bền vững...

Tuyên bố chung nêu rõ mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá.

[Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi thế giới tăng cường niềm tin lẫn nhau]

Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về các quy định chặt chẽ hơn đối với tiền kỹ thuật số, .

Liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định.

G20 khẳng định hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine.

Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.

Thủ tướng Modi nêu rõ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn. Ông nhấn mạnh vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ đã trở thành biểu tượng của sự hòa nhập cả trong và ngoài nước.

Trước đó, khi chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Modi đã kêu gọi biến "sự sụt giảm niềm tin toàn cầu" thành mối quan hệ tin cậy.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Modi đã công bố lễ ra mắt Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu để tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Ông cũng đồng thời mời các quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia sáng kiến này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục