Gần 1/3 dân số trên thế giới đang bị thừa cân, béo phì

Gần 30% số dân trên thế giới hiện đang bị thừa cân, béo phì và điều đáng lo ngại là tình trạng này đang tiếp tục gia tăng ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và mọi quốc gia.
Béo phì đang là vấn nạn tại Mỹ khi có tới 13% số người béo phì đang sinh sống ở quốc gia này. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và mọi quốc gia, tạo nên gánh nặng to lớn đối với sự tiến bộ của toàn nhân loại với gần 30% số dân toàn cầu bị thừa cân, béo phì.

Đây là kết quả báo cáo của Viện Thống kê và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington ở Seattle công bố ngày 28/5 vừa qua.

Dựa trên số liệu thống kê của 188 nước từ năm 1980 đến 2013, nghiên cứu "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu" cho biết số người béo phì đã tăng từ 857 triệu người lên 2,1 tỷ người trong vòng 33 năm.

Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Mexico, Ai Cập, Đức, Pakistan và Indonesia, theo thứ tự, là những "thánh địa" của người thừa cân, khi chiếm tới một nửa số lượng người béo phì toàn thế giới.

Béo phì tiếp tục là vấn nạn đối với nước Mỹ với khoảng 13% số người béo phì sống ở Mỹ; gần 75% nam giới và 60% nữ giới nước này mắc bệnh.

Béo phì vốn được coi là căn bệnh của những nước giàu, song xu hướng hiện tại cho thấy căn bệnh này đang lan sang những quốc gia đang phát triển với hơn 65% số người béo phì sống tại các nước mới nổi.

Đặc biệt, béo phì là một thực trạng đáng báo động ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có số người béo phì lần lượt là 46 triệu và 30 triệu người.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet, khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Trung Mỹ, ven Thái Bình Dương và Caribean là những quốc gia có tỷ lệ béo phì cao đột biến. Trong đó, hơn 58% nam giới và 65% phụ nữ bị thừa cân hoặc béo phì ở các nước Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập, Saudi Arabia, Oman và Kuwait.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, tình trạng béo phì hoặc thừa cân xuất hiện ngày càng nhiều ở trẻ em, khi số trẻ em mắc bệnh này chiếm tới 47%.

Theo thống kê, gần 25% số trẻ em các nước phát triển bị béo phì; tỷ lệ này ở các nước đang phát triển là 13%, tăng lần lượt từ mức 16% và 8% năm 1980.

Số người trưởng thành béo phì chiếm 28% dân số thế giới, trong đó, tỷ lệ béo phì ở nam giới tăng từ 29% lên 37% dân số và tăng từ 30% lên 38% ở phụ nữ.

Béo phì và thừa cân có thể tạo ra nhiều hệ lụy cho con người như thể trạng mệt mỏi, bất lực, tử vong sớm do ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, căn bệnh này đã gián tiếp gây ra 3,4 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây không chỉ là tấn bi kịch của người bệnh mà còn ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đất nước, và là khoản chi phí khổng lồ của ngành y tế.

Các chuyên gia nhận định rằng tỷ lệ người béo phì tăng cao tại các nước phát triển có thể bắt nguồn từ các yếu tố như mức thu nhập thay đổi, lối sống ít vận động, sự gia tăng các nguồn thức ăn giàu năng lượng và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho thức ăn nhanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục