Ngày 16/10, nhóm công tác của Liên hiệp quốc tới Bỉ tìm hiểu về hoạt động của chiến binh nước ngoài đã công bố những kết luận đầu tiên về vấn đề này.
Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, Bỉ thiếu chương trình cấu trúc tái hòa nhập và phục hồi cho người hồi hương.
Tuy nhiên, Bỉ cũng được khen ngợi về những sáng kiến thực hiện để đối phó với vấn đề chiến binh nước ngoài.
Hiện Bỉ có khoảng gần 500 trong tổng số 30.000 người nước ngoài đang tham chiến tại Syria và Iraq, trong đó 128 người đã trở về, 77 người đã chết và 62 người bị ngăn cản không cho ra đi tham chiến.
Nhóm công tác của Liên hợp quốc đã đưa ra những kiến nghị đối với Bỉ trong khuôn khổ 12 biện pháp mà chính phủ triển khai hồi đầu tháng Giêng vừa qua để đối phó với tình hình khủng bố. Đó là tôn trọng nhân quyền, quyền riêng tư, tự do ngôn luận và quyền được quốc tịch. "Tất cả các biện pháp xử phạt phải được một thẩm phán theo dõi nhằm đảm bảo quyền xét xử công bằng," các chuyên gia Liên hợp quốc khuyến cáo, đồng thời yêu cầu Bỉ nên áp dụng tư vấn thực hành như mô hình Aarhus ở Đan Mạch đối với quận Vilvorde (nơi có nhiều người đi tham chiến tại Syria) hoặc đối với cộng đồng tiếng Pháp.
Tại Bỉ, có ba mô hình tham chiến ở nước ngoài. Tổ chức khủng bố Sharia4Belgium khởi xướng năm 2010, sau đó việc tuyển chọn được thực hiện vào năm 2012. Kể từ năm 2014, hình thức tuyển lựa chính thông qua các mạng lưới không chính thức như bạn bè, gia đình và mạng xã hội.
Các chiến binh có tuổi đời trung bình là 23 tuổi hoặc ít hơn. Ngày càng nhiều phụ nữ đi tham chiến. Số lượng nam thanh niên ra nước ngoài tham chiến trong năm 2015 ít hơn năm trước.
Nếu trung bình trong năm 2014 mỗi tháng có 10 người ra nước ngoài tham chiến thì số lượng này giảm xuống còn 4-5 trường hợp trong năm nay.
Động cơ ra nước ngoài tham chiến cũng đa dạng: tôn giáo, trốn chạy vi phạm hình sự, muốn mạo hiểm, trong bối cảnh xã hội như tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, vấn đề bản sắc.
Các chuyên gia Liên hợp quốc chọn Bỉ để nghiên cứu về tình hình chiến binh nước ngoài do quốc gia này có số lượng lớn người đi tham chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đoàn công tác của Liên hợp quốc trước đó đã làm việc tại Tunisia hồi tháng Bảy vừa qua và sẽ tới Ukraine vào tháng Ba năm sau.
Nhóm công tác gồm các chuyên gia độc lập đến từ Yemen, Chile, Ba Lan, Mỹ, Nam Phi và sẽ công bố báo cáo đầu tiên vào tháng 11 tới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Báo cáo cụ thể về Bỉ sẽ được công bố trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2016.
Theo Quốc vụ khanh Bỉ phụ trách nhập cư Theo Francken, khoảng 10 người Bỉ sang Syria tham chiến đã bị mất quyền cư trú ở Bỉ. Họ còn bị cấm quay trở lại lãnh thổ Bỉ trong 10 năm./.