Giờ đây, trở về giữa đời thường với những vết sẹo còn hằn trên thân thể, dẫu cảm giác nhói đau da thịt không còn, nhưng hành động dùng dao mổ bụng mình để uy hiếp kẻ thù, đòi quyền dân sinh, dân chủ thì luôn hằn rõ trong tâm trí ông.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, ông đã tổ chức những cuộc đào hầm bí mật, để các tù nhân vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng.
10 năm nín thở đào hầm
Ông Vũ Văn Kim sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bác Ninh. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang cam go, ác liệt, ông đã tình nguyện, chích máu vào đơn thư để được vào miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong một lần tập kích vào sân bay Quy Nhơn–Bình Định (trận càn 5 mũi tên) ông đã trúng đạn và bị bắt, giam cầm ở nhà lao Phú Quốc.
Ông Kim tâm sự: “Thời gian bị giam cầm trong nhà lao, đối diện với những cuộc tra tấn thừa sống thiếu chết như bắt ăn phân, nướng người, đục răng, đục óc… khiến tôi chết đi sống lại nhiều lần. Có lúc trong đầu thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng chết là có tội với Tổ quốc, với mẹ cha. Chính vì thế, tôi quyết sống để tiếp tục hoạt động cách mạng ngay chính trong tù.”
Thời gian đầu mới tổ chức hoạt động bí mật như đào hầm xuyên vào rừng để giải thoát, khi bị lộ thì chẳng ai nhận, chúng cứ bắt, cứ giết như kiểu "bắt cá trong chậu." Thấm thoắt chưa đầy hai tháng, chúng đã giết hàng trăm cán bộ đầu não khiến cách mạng tổn thất nặng nề.
Với suy nghĩ "tiết kiệm được giọt máu nào quý giọt máu ấy," từ năm 1969, ông Kim cùng các tù binh đã dàn dựng "kịch bản chết" theo mệnh lệnh của tổ chức, không được manh động, ý thức phải đi kèm với xương máu của đồng đội.
Sau những toan tính, đến tháng 3/1971, ông Kim cùng các đồng đội đã tiến hành đào hầm trốn thoát. Theo kinh nghiệm của ông Kim thì số đất đào được mỗi ngày chỉ đủ hòa tan với những thùng phân để địch không phát hiện được.
Tuy nhiên, không phải lúc nào kế hoạch cũng suôn sẻ, bởi lúc đang đào đường hầm thứ 5 được 24m ra bãi rác thì ông Kim và 12 đồng chí bị một tên chỉ điểm dẫn bọn lính gác đến bắt rồi tra tấn dã man.
Ông Kim kể: “Mới đầu, chúng dùng đòn phủ đầu các tù nhân ‘tên Kim đã khai ra những kẻ chỉ lối đào hầm. Nếu ai bước ra nhận tôi sẽ được sống, bằng không sẽ bị bắn chết’. Vừa nói, chúng vừa giương súng về phía các tù nhân, lên đạn dọa bắn.”
Đúng như kịch bản dựng sẵn, ba người đứng ra nhận tội, đấy là các anh em bị thương tật, tình nguyện hy sinh để đảm bảo an toàn cho tổ chức. Vê phía ông Kim, chúng dùng chày vồ đánh đập dã man, khiến ông phải dùng chiêu nín thở giả chết. Sau đó chúng đem vứt ông vào buồng giam.
Mổ bụng… uy hiếp kẻ thù
Sau một ngày bất tỉnh bởi những cuộc tra tấn man rợ, ông Kim tỉnh dậy ngồi suy luận: “Tại sao tên cai ngục lại biết tên mình khi đang đào dưới hầm kín, phải chăng trong tổ đào hầm có nội gián?”
Ông Kim chia sẻ: “Sau hai ngày theo dõi, tôi đã điều tra ra kẻ chỉ điểm và ngay sau đó đã cùng ba cựu tù khác xử hắn. Cũng vì lẽ đó, tôi đã bị địch khép tội ‘cố ý giết người vô tội,’ bị đày ra nhà lao quân sự Cần Thơ.”
Tại nhà lao quân sự Cần Thơ, ông Kim bị nhốt vào phòng giam đặc biệt với những lớp thép gai dày đặc, chỗ ăn ở với chỗ vệ sinh là một. Chúng tra tấn ông dã man, cho ăn uống chỉ đủ mức cầm hơi.
Trước sự áp bức nhẫn tâm của địch, ông Kim quyết đấu tranh với địch ở Tòa án Cần Thơ. Phiên tòa thứ nhất, chúng kết tội ông "cố ý giết người" và đưa ra mức án tử hình. Được đồng đội ra sức phản đối, ông Kim đấu tranh pháp lý tại phiên tòa, buộc chúng phải mở phiên tòa phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chúng xử ông 21 năm tù, ông tiếp tục phản kháng. Ngày 24/2/1972, phiên tòa thứ ba xử ông với mức án 10 năm tù và cố ý đày ông ra Côn Đảo với mục đích “giết tù nhân không cần tốn viên đạn nào.”
Không bỏ cuộc, ngày 27/2/1972, ông Kim cùng các tù binh đã áp dụng giải pháp tuyệt thực. Thế nhưng, chúng lại can thiệp bằng âm mưu giả làm bác sĩ để chia rẽ từng người rồi ép ăn để hành hạ.
Đến cuối năm 1973, mặc dù tuyệt thực rất nhiều lần, nhiều đồng chí tuyệt thực tới 14 ngày rồi chết, nhưng vẫn không được giải quyết. Giải pháp tuyệt thực thất bại, ông Kim cùng chi bộ nhà lao lại lập "nhiệm vụ quyết tử" gồm hai bước.
Bước thứ nhất tự rạch bụng mình trước kẻ địch để xem động thái của chúng ra sao? Nếu chúng vẫn không chịu giải quyết yêu sách thì sẽ mổ bụng moi ruột để thể hiện sự phẫn nộ tột độ.
Ngày 2/3/1974, sau 5 ngày tuyệt thực không được giải quyết yêu sách, dù sức khỏe của ông Kim rất yếu, nhưng ông Kim vẫn gượng dậy xin tổ chức cho phép thực hiện nhiệm vụ quyết tử.
Được sự đồng ý của tổ chức, ông Kim đứng lên hô to khẩu hiệu: “Hiệp định Pari đã ký kết được hơn 1 năm, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn không những không trao trả tù binh cho chính phủ Cách mạng mà còn giết dần, giết mòn anh em chúng tôi. Chúng tôi cực lực lên án đế quốc Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn.”
Vừa dứt lời, ông vừa cầm con dao nhọn liên tiếp rạch 7 nhát vào bụng. “Tôi cầm con dao rạch một nhát thấy máu chảy ít quá, tôi liền rạch tiếp 6 nhát nữa để bày tỏ sự phẫn nộ. Rạch đến nhát thứ 7, máu chảy xối xả, ruột lồi ra, tôi lịm đi khi nào không biết,” ông Kim kể lại thời khắc kinh hoàng.
Sự kiện trên đã tạo làn sóng phẫn nộ khắp quốc tế, buộc đế quốc Mỹ - Ngụy phải trao trả các đồng chí tù binh cho cách mạng vào ngày 7/3/1974. May mắn thoát chết, ông Kim đã cùng đồng đội trở về với cách mạng, quê hương.
Ông Kim xúc động nói: “Tôi đã trải qua hai địa ngục trần gian, may mắn trở về từ cõi chết, do vậy tôi sẽ không bao giờ quên những anh em, đồng chí năm xưa. Xin gửi lời tri ân đến các anh em – những tù binh ở nhà lao Phú Quốc. Những liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập-tự do của nước nhà”.
Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc là một trại giam nằm ở cực Nam đảo Phú Quốc, tại thị trấn An Thới. Trong chiến tranh Đông Dương, trại giam này có tên là Nhà lao Cây Dừa. Năm 1972, Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc được xây dựng với 12 khu và được đánh số từ khu 1 đến khu 12. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi trại giam chứa khoảng 3.000 tù nhân. Năm 1972, có khoảng 36.0000 tù nhân. |