Gấp rút hoàn thiện chính sách, tránh thất thu thuế thương mại điện tử

Tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, tuy nhiên chỉ có khoảng 5.000 kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam và có kê khai nộp thuế.
(Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN)

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang có sự phát triển rất nhanh trên các nền tảng mạng, mạng xã hội Facebook, YouTube, Google,… điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nhanh chóng xây dựng chính sách thuế phù hợp, đảm bảo việc thu đúng và đủ đối với hoạt động kinh doanh này.

Thời gian qua, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập rất lớn từ kinh doanh qua mạng hoặc phát sinh doanh thu từ YouTube cá nhân nhưng không kê khai thuế.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện và truy thu thuế một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên 19 tỷ đồng từ năm 2016-2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016-2017; hay một cá nhân ở tỉnh Quảng Nam thu nhập 17 tỷ đồng…

Hay gần đây nhất là sự việc YouTuber Thơ Nguyễn (Nguyễn Thị Hồng Thơ) đã đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê giống Kumanthong lên mạng xã hội TikTok, gây bức xúc dư luận.

Hiện, kênh YouTuber Thơ Nguyễn đang có tới hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, nhiều nội dung hướng đến đối tượng là trẻ em.

Theo trang Social Blade (website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội), kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Qua đó, doanh thu tương đương 16 tỷ đồng/năm.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết với trường hợp YouTuber Thơ Nguyễn đã có kết quả ban đầu về rà soát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của YouTuber này.

Theo đó, trong các năm 2019, 2020 và 2021, Nguyễn Thị Hồng Thơ (YouTuber Thơ Nguyễn) đã kê khai, nộp thuế, với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục xác minh, rà soát việc chấp hành thuế của YouTuber Thơ Nguyễn để có kết luận cuối cùng.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số trên, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường nhiều giải pháp quản lý thu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

[Thuế thương mại điện tử xuyên biên giới: Cạnh tranh không công bằng]

Với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.

“Như vậy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu, tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp,” bà Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Nhiều cá nhân có thu nhập rất lớn từ kinh doanh qua mạng. Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC)

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm, do triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế nên ngành thuế đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook, năm 2016, số thu từ các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài số chi phí quảng cáo trên mạng với tổng số thuế 46,86 tỷ đồng.

Năm 2019, con số này đã lên tới 1.010 tỷ đồng và năm 2020 là 1.143 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng).

Tại một số cục thuế lớn như Cục Thuế thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube... với tổng doanh thu của các cá nhân 2.200 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 333 cá nhân đã nộp thuế với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng (trong đó có cá nhân doanh thu hơn 330 tỷ đồng đã nộp số thuế 23 tỷ đồng ).

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh để quản lý và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, Facebook…

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 14.951 trang web. Từ đó xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế.

Trong quá trình làm việc đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý qua kiểm tra đối với 580 doanh nghiệp và cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 18,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật nếu người nộp thuế khai sai khi cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp.

Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị xử phạt từ 1-3 lần. Trường hợp nặng hơn, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan thuế sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ theo đúng các quy định của pháp luật.

Khi có vướng mắc phát sinh về việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ ngay với cơ quan thuế để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nguồn thu từ thương mại điện tử và mọi thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục sẽ có nhiều biện pháp thực hiện chống thất thu thuế.

Hiện nay, ngành thuế đang thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu như phối hợp với cơ quan công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xác định nhân thân người nộp thuế, thu thập dữ liệu của các ngân hàng thương mại, công ty vận chuyển trung gian, hàng hóa, các ví điện tử, đối chiếu xác minh và sẽ làm việc với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử nhằm hướng dẫn việc kê khai và nộp thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục