Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư trong quý 1 ước 61.536 tỷ đồng và đạt 11% kế hoạch. Đáng lưu ý, vốn đầu tư công tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn hơn 50.000 tỷ đồng chưa được phân bổ và 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 3 tháng đầu năm đạt mức thấp là do Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn năm 2022 (Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021), sau đó ban hành thêm Quyết định số 236/QĐ-TTg về việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (đợt 2 - ngày 21/2/2022). Vì vậy, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công tron năm.
Về việc phân bổ vốn, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công đối với những trường hợp chưa hoàn thành phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 theo các quy định của Chính phủ.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp (các bộ, ngành, địa phương) không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm.
Trước đó, ngày 8/4, Chính phủ đã ban hành Công điện số 307/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nội dung Công điện nhấn mạnh việc giải ngân vốn ODA năm 2022 còn chậm, chưa được cải thiện làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm sức thu hút các nguồn lực xã hội khác, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới; Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Các bộ, cơ quan, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022./.