Giải ngân vốn ODA địa phương: Đẩy nhanh tiến độ để giảm dư nợ tạm ứng

Vốn giải ngân tại các địa phương đã tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn từ 3 đến 4 tháng, góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách.
Hội nghị với các địa phương 'Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng, năm 2020,' ngày 14/10. (Ảnh: Vietnam+)

" Mặc dù tỷ lệ giải ngân đầu tư nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các địa phương trong tháng Chín đã cải thiện đáng kể, tăng thêm 8% so với tháng Tám nhưng tổng giải ngân của 9 tháng vẫn ở mức thấp so với dự toán năm 2020. Và, nếu so với dự toán sau giảm trừ (do các địa phương trả lại dự toán), tỷ lệ giải ngân mới đạt 32,43%, trong khi thời gian giải ngân dự toán của năm nay chỉ còn 4 tháng nữa.”

Nội dung trên được ông Trương Hùng Long, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính thông tin tại Hội nghị với các địa phương "Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng, năm 2020,” ngày 14/10.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết vốn giải ngân thực thanh toán đã tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn từ 3 đến 4 tháng. Điều này góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đồng thời thúc đẩy nhanh hoạt động giải ngân.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo số liệu từ Bộ Tài chính về tình hình giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 của các địa phương, tính đến ngày 30/9, về nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, các địa phương đã phân bổ 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với thời điểm 31/8. Tuy nhiên trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương tính đến ngày 30/9 chiếm 11,73% dự toán.

Tổng số giải ngân (bao gồm cả số giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước) tính đến ngày 30/9 mới đạt tỷ lệ 29% so với dự toán được giao.

Về nguồn vốn trung ương cho vay lại đến các địa phương, tổng số đã phân bổ đạt 75,3% dự toán, tăng không đáng kể so với thời điểm 31/8 (tăng 1,2%).

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đại diện tỉnh Nam Định cho biết tốc độ tăng giải ngân trong tháng Chín đạt 45% trong tháng 9.

“Trước đó, Nam Định đã giao chi tiết vốn đầu tư công 3.936 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2020 đồng thời  yêu cầu toàn bộ chủ đầu tư dự án cam kết giải ngân 100% vốn ODA. Theo đó, Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt vốn giải ngân nước ngoài cấp phát từ trung ương đã phân bổ cho 4 dự án lập dự toán chi tiết đồng thời đề nghị không trả lại vốn,” vị đại diện cho biết.

Tại hội nghị, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết tình hình thực hiện giải ngân vốn ODA cho 9 dự án. Theo đó, Thành phố đã phân bổ chi tiết 5.044 tỷ đồng và tính đến ngày 30/9 đã giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch vốn được giao. Với nguồn vốn cho vay lại, Thành phố đã giải ngân trên 4.800 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch. Như vậy, tính chung cho 2 nguồn vốn này, giải ngân 40,86%  và dự kiến cả năm đạt 8.000 tỷ đồng.

Đến ngày 30/9, có 60/62 địa phương được giao vốn vay nước ngoài đã phân bổ trên 50% dự toán được giao. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Long, hiện có 60/62 địa phương được giao vốn vay nước ngoài đã phân bổ trên 50% dự toán được giao, trong đó 43/62 địa phương đã nhập hệ thống và tăng 18 địa phương so với thời điểm ngày 31/8.

Trong số dự toán trên, các địa phương xác nhận số vay lại sẽ không sử dụng chiếm 6,48% dự toán và số giải ngân đạt 33% so với dự toán được giao, tăng thêm 11,2% so với thời điểm 31/8.

“Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn nước ngoài theo phương thức ghi thu ghi chi (bao gồm cả phần ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và trung ương cho vay lại) là 30,4% dự toán được giao,” ông Long cho biết.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn (bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước).

Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân

Trước tình hình chậm giải ngân nói chung, ông Long đề nghị các địa phương thúc đẩy các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính (đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân, đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng) để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.

Với dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, ông Long yêu cầu các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành mà không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.

“Với số vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, đề nghị các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, 20 dự thảo hợp đồng cho vay lại đã được Bộ Tài chính gửi các địa phương xin ý kiến để ký kết, đề nghị các địa phương sớm có ý kiến phản hồi,” ông Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các địa phương. Ông Long cho biết Bộ sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản này.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp.

“Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án và phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký hợp đồng cho vay lại cũng như góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư của các dự án,” ông Long nói./.

Đại diện Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục