Tờ The Hill số ra ngày 24/6 đăng bài viết (theo quan điểm cá nhân) của tác giả Martin B. Malin, Giám đốc điều hành Dự án Quản lý nguyên tử tại trường Đại học Harvard, trong đó nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dành hơn 1 năm để cố gắng gây áp lực buộc Iran trở lại bàn đàm phán nhằm có được thỏa thuận tốt hơn so với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - còn được gọi là "Kế hoạch hành động toàn diện chung" (JCPOA).
Tuy nhiên, chiến lược đó của Washington đã thất bại khi Tehran tỏ ra sẵn sàng mạo hiểm tiến hành chiến tranh chứ không chấp nhận bị Mỹ coi thường trong quá trình đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại đưa ra tuyên bố rằng cá nhân ông không muốn Mỹ tham chiến ở Trung Đông.
Cả Mỹ và Iran đang bị sa lầy vào chính sách "bên miệng hố chiến tranh," nơi mỗi lần leo thang căng thẳng có thể dẫn đến một cuộc chiến với quy mô lớn hơn ở Trung Đông.
Chính quyền Trump chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vì cho rằng trong thỏa thuận này Iran không cam kết ngừng can thiệp vào các cuộc xung đột chính trị và quân sự ở khắp khu vực, từ Syria cho đến Iraq và Yemen.
Ngoài ra, Iran cũng không chấp nhận việc hạn chế phát triển tên lửa đạn đạo. Quan điểm của Iran là "những vấn đề này không thể được giải quyết nếu không có các cuộc đàm phán với những quốc gia khác trong khu vực - trước hết là Saudi Arabia.
Tuy nhiên, Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh Arập khác lại đang nhận được sự hỗ trợ to lớn và vô điều kiện của chính quyền Trump nên đã từ chối tham gia đàm phán.
Sự bảo vệ của Mỹ đối với những đồng minh Arập ở vùng Vịnh đã phải trả giá đắt trong vài năm qua. Saudi Arabia và UAE đã tỏ ra “vụng về” trong việc theo đuổi một chương trình nghị sự tích cực ở khu vực mà không quan tâm đến lợi ích và cảm xúc của Mỹ.
Qatar - quốc gia có khoảng 10.000 lính Mỹ đồn trú - tiếp tục thể hiện sự cô lập của mình trong một số vấn đề lớn của khu vực. Cuộc chiến tại Yemen vẫn đang tiếp diễn, bất chấp việc Quốc hội Mỹ không ủng hộ vai trò của Washington trong cuộc chiến này.
[Hội đồng Bảo an kêu gọi đối thoại, giảm căng thẳng tại vùng Vịnh]
Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi (của tờ Washington Post) cho thấy chính quyền Trump dường như đang bảo vệ những thứ "không thể bảo vệ" được. Chính sách trên của chính quyền Trump không nên tiếp tục được duy trì.
Lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hiện nay chính là giảm căng thẳng và tăng cường các thỏa thuận an ninh ở khu vực vùng Vịnh. Do đó, Mỹ cần Iran và các đồng minh Arập ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Trump nên tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế quân sự ở khu vực Vịnh Ba Tư và kêu gọi một cuộc họp của các ngoại trưởng vùng Vịnh (bao gồm cả Iran) để thảo luận về việc chấm dứt khủng hoảng.
Mỹ có thể buộc các quốc gia Arab tại vùng Vịnh tham gia đàm phán bằng cách lặng lẽ thêm vào một điều kiện trong các hợp đồng buôn bán vũ khí sắp tới.
Mục tiêu cần đạt được của cuộc họp trên là ngay lập tức thông qua việc đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động vận chuyển thương mại ở trong và ngoài Vịnh Ba Tư.
Cuộc họp cũng sẽ đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin, chẳng hạn như một thỏa thuận nhằm chấm dứt các hành động khiêu khích nguy hiểm và thiết lập các nghị định thư về việc giảm thiểu căng thẳng nếu xảy ra các "sự cố trên biển."
Việc giảm căng thẳng sẽ cho phép tất cả các bên tham gia vào các cuộc thảo luận nhạy cảm hơn. Chìa khóa của vấn đề hiện nay là tập trung ngăn chặn chu kỳ leo thang ở khu vực Vịnh Ba Tư.
Chương trình hạt nhân của Iran hiện không phải là một mối đe dọa chính. Việc đạt được thành tựu thực sự trong các vấn đề nêu trên sẽ giúp tạo ra một bước đột phá về an ninh của khu vực. Tổng thống Mỹ rõ ràng đang có trong tay những “đòn bẩy” và đã đến lúc ông phải sử dụng nó./.