Giãn cách xã hội (social distance), hiểu đơn giản là giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội, là một trong những giải pháp đã và đang được Singapore triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Dù gây ra bất tiện, tạo thêm khó khăn, nhưng đây là giải pháp cần thiết khi muốn duy trì một "sự bình thường mới" trong đời sống xã hội, nhất là khi số ca nhiễm được giới chức nước này đánh giá sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.
Giới chức tại Đảo quốc sư tử coi đây là "vành đai phòng ngự chính," là một trong chiến lược "3 mũi nhọn" đã và đang được triển khai thực hiện sau khi dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát và có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng.
Sau thời gian khuyến cáo, từ ngày 15/3, Singapore chính thức yêu cầu người dân và các cơ quan, doanh nghiệp thực thi quy định giữ khoảng cách giao tiếp, với thêm một số điều khoản mới thắt chặt hơn được cập nhật trong các ngày 20 và 24/3.
Thực ra, từ trước đó, khi nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên màu vàng (chỉ sau mức cao nhất là màu đỏ), Chính phủ Singapore đã khuyến cáo người dân giữ khoảng cách trong giao tiếp, từ bỏ những thói quen cũ khi gặp gỡ như ôm hôn, bắt tay, hạn chế tới chỗ đông người nếu không thực sự cần thiết...
Thế nhưng, cuộc sống tại Singapore vẫn diễn ra như thường lệ. Người dân vẫn tụ tập, các sự kiện đông người, các buổi lễ tôn giáo vẫn được tổ chức, quán xá cuối chiều vẫn đông đúc thực khách.
Cũng cần phải nói rằng, tại Đảo quốc sư tử, có được sự cảm nhận hoạt động xã hội như thường lệ là bởi không mấy người đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, ngoại trừ những người làm các công việc phải tiếp xúc nhiều tại sân bay, cửa khẩu hay lễ tân, bán hàng.
Chính phủ Singapore khuyến cáo rằng chỉ nên sử dụng khẩu trang khi cảm thấy không khỏe. Tất nhiên, một lý do khác cho việc ít sử dụng khẩu trang ở Singapore là tìm mua cũng không dễ và giá cũng không rẻ kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ngày 23/1/2020.
Một phần vì thế, đã có thêm những ổ dịch xuất hiện trong nội địa, thay vì chủ yếu là những ca nhiễm bệnh từ nước ngoài "nhập khẩu" vào Singapore như trước đây, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc tụ tập đông người cũng như sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân có dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng vẫn đi làm hay tham gia các hoạt động xã hội mà chẳng đeo khẩu trang.
Do đó, quy định về giữ khoảng cách được giới chức thắt chặt hơn với nỗ lực tránh phải viện đến lựa chọn cuối cùng là "phong tỏa" tại Singapore.
Xa mặt nhưng không cách lòng, cùng đồng lòng chống dịch, đó là những gì mà các lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân Singapore đang thể hiện trong cuộc chiến với dịch COVID-19, khi mà số ca nhiễm mới tăng mạnh trong 2 tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 558 (tính đến hết 24/3), cũng không phải là con số nhỏ khi so với dân số vỏn vẹn hơn 5 triệu người của Đảo quốc sư tử.
Cùng chung tay với chính phủ, các doanh nghiệp và tổ chức tại Singapore đã bắt đầu triển khai các biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc, góp phần vào việc hạn chế dịch bệnh lây lan.
Theo quan sát của phóng viên, tại phần lớn các địa điểm mua sắm, nhất là siêu thị, các doanh nghiệp đã dán băng keo ngăn cách dưới nền tại các khu vực xếp hàng.
Các cửa hàng ăn uống, quán càphê cũng đã dãn cách bàn ghế hoặc đặt biển báo bàn đã có khách đặt để bảo đảm khoảng cách ngồi ăn giữa các khách hàng.
Các trung tâm ăn uống bình dân có bàn ghế cố định cũng được dán băng đỏ cảnh báo để khách không ngồi gần nhau.
Nhiều công ty cũng đã cho nhân viên làm việc từ xa, không phải đến văn phòng nếu như không thực sự cần thiết.
Anh Chua Boon Andy, Giám đốc Công ty Artzibit Pte. Ltd cho biết: "Chúng tôi đã đã sắp xếp nhân viên làm việc theo ca để bảo đảm khoảng cách tiếp xúc cần thiết. Một số nhân viên được phép làm việc từ nhà. Việc này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, nhất là trong bối cảnh một trong những ổ dịch của Singapore là từ công ty công nghệ Wizlearn thời gian vừa qua, với tổng cộng 14 ca lây nhiễm."
Người dân Singapore nhìn chung ủng hộ chủ trương thắt chặt quy định về giữ khoảng cách giao thiệp của chính phủ, nhất là khi họ đã thực sự cảm nhận được sức nóng từ đại dịch COVID-19.
Anh Hemant Bhatt, nhân viên tại Thư viện Quốc gia Singapore chia sẻ: "Singapore vẫn đang nỗ lực duy trì một sự bình thường mới trong đời sống xã hội, các trường học tiếp tục mở cửa, các dịch vụ tiếp tục được duy trì, tạo ra cảm giác an toàn. Tôi cho rằng việc duy trì khoảng cách tiếp xúc là phù hợp để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tránh phải dẫn tới tình trạng phong tỏa, hạn chế đi lại như một số quốc gia."
[Dịch COVID-19: Giữ khoảng cách mà thấy gần nhau hơn ở New York]
Với quy định mới, cùng với đó là các điều khoản được bổ sung thêm hằng ngày trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tổ chức sự kiện hay nhà hàng đang phải chịu thêm thiệt hại không hề nhỏ.
Cô Lauretta Alabons, Đồng sáng lập Công ty tổ chức sự kiện hòa nhạc LAMC Productions cho biết: "Chúng tôi thông thường không có buổi trình diễn hòa nhạc nào có dưới 250 khán giả, bình quân đều từ 600-1.000 người tham dự. Quy định mới của chính phủ là một thách thức không nhỏ. Tôi hy vọng chính quyền sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể khi áp dụng quy định mới."
Nhiều chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng cũng lo ngại vì lượng khách vốn đã sụt giảm do Singapore hạn chế và thắt chặt nhập cảnh, nay lại thêm yêu cầu mới, khiến họ vốn đã khó khăn nay lại càng thêm căng thẳng.
Một chủ quán bia tươi tại phố đi bộ đêm tại Holland Village tiết lộ: "Thay vì có bình quân 80-100 khách mỗi ngày, giờ tôi chỉ có thể nhận 40 khách để có thể duy trì khoảng cách 1m. Công việc kinh doanh vốn đã khó khăn do lượng khách sụt giảm, rồi lại tới việc Malaysia phong tỏa gây thiếu hụt nhân lực và bây giờ là duy trì khoảng cách. Nếu cứ tiếp tục thế này, tôi cho rằng nhiều chủ nhà hàng sẽ bị phá sản."
Nhiều doanh nghiệp, công ty không thể cho nhân viên làm việc từ xa nhưng không thể sa thải nhân viên trong giai đoạn khó khăn này cũng đang loay hoay với việc bảo đảm khoảng cách 1m tại nơi làm việc.
Một số nhà máy sản xuất cũng "lực bất tòng tâm" với quy định mới do quy trình và dây chuyền sản xuất vốn đã như vậy.
Ông James Wong, Giám đốc công ty OE Manufacturing cho biết, công ty đã khuyến cáo nhân viên duy trì khoảng cách, tuy nhiên quy định này không thực tế tại khu sản xuất.
Việc lắp ráp sản phẩm đòi hỏi các công nhân phải đứng gần nhau để bảo đảm an toàn. Vì thế, yêu cầu họ đứng cách nhau 1m là bất khả thi.
Còn trong cuộc sống thường ngày, dù muốn nhưng việc thực hiện khuyến cáo giữ khoảng cách 1m không phải lúc nào cũng được như ý.
Việc thực hiện quy định duy trì khoảng cách an toàn 1m trên các phương tiện công cộng vào giờ cao điểm là không thể thực hiện.
Chị Hui Shan Lim, nhân viên một công ty truyền thông tại Singapore chia sẻ: "Với mỗi ngày 2 giờ trên tàu điện ngầm sáng đi chiều về, làm sao tôi có thể duy trì khoảng cách an toàn? Nếu đứng cạnh người nhiễm bệnh và bị lây, liệu tôi có thể không làm lây nhiễm tới các đồng nghiệp khi có tới hơn 8 giờ làm việc gần nhau, dù có ngồi cách nhau 1m hay 2m đi chăng nữa?"
Dù sao, giới chức Singapore vẫn hy vọng biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả để "đảo quốc sư tử" được an toàn trước đại dịch COVID-19./.