Giảng viên Việt Nam thắng cuộc trong thử thách sáng tạo khu vực ASEAN

Ý tưởng Refill Đây của thầy Nguyễn Hữu Nhân, Đại học RMIT vừa được vinh danh là một trong 4 ý tưởng thắng cuộc tại thử thách sáng tạo chống rác thải nhựa của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc.
Thầy Nhân thuyết trình về ý tưởng của mình. (Ảnh: PV)
Thầy Nhân thuyết trình về ý tưởng của mình. (Ảnh: PV)

Kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, mang bình chứa to bán di động đến các khu dân cư bán lẻ để người dân có thể mang bình chứa đến mua nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, Refill Đây của thầy Nguyễn Hữu Nhân, giảng viên Đại học RMIT vừa được vinh danh là một trong bốn ý tưởng thắng cuộc tại thử thách sáng tạo chống rác thải nhựa của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).

Thay đổi hành vi tiêu dùng

Chia sẻ về ý tưởng của mình, thầy Nguyễn Hữu Nhân cho hay mỗi phút trôi qua, nhựa dùng một lần rò rỉ ra môi trường đang gây ra một loạt các vấn đề như làm tắc sông và biển; giết chết các loài động vật trên cạn và dưới nước; nhiễm vào chuỗi thực phẩm, từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe con người. Trong khi đó, nhiều chai, lọ và hộp nhựa mà người tiêu dùng mua và sử dụng một lần có thể tái sử dụng nhiều lần.

Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều giải pháp thay thế thuận tiện cho việc mua các sản phẩm được đựng trong chai hoặc túi nhựa, dẫn đến việc sử dụng nhiều nhựa nguyên sinh hơn và rò rỉ chất thải nhựa ra môi trường cũng nhiều hơn.

Refill Đây giải quyết các vấn đề này trước khi chúng trở thành thách thức bằng cách hạn chế việc sử dụng nhựa nguyên sinh ngay từ đầu. Chúng tôi cung cấp một giải pháp thay thế cho nhựa sử dụng một lần bằng cách đến tận nơi của khách hàng (tại nhà, văn phòng, nhà hàng hoặc khách sạn) để làm đầy lại các đồ chứa có thể tái sử dụng bằng các sản phẩm đáng tin cậy.

Cũng theo thầy Nhân, ở Việt Nam đã có những cửa hàng làm đầy và không rác thải hoạt động rất tốt nhưng thường gặp phải hai vấn đề là khả năng tiếp cận khách hàng của địa điểm và thương hiệu sản phẩm. Các cửa hàng này thường bán những sản phẩm đắt đỏ khiến người có thu nhập trung bình khó mua nổi hoặc bán những nhãn hàng chưa được biết đến khiến người tiêu dùng cảm thấy lạ lẫm. Bên cạnh đó, các cửa hàng làm đầy cố định thường yêu cầu khách hàng phải mang các đồ chứa đến tận nơi để làm đầy. Điều này sẽ là trở ngại lớn với đối tượng khách hàng sống cách xa cửa hiệu, bởi họ sẽ nhận thấy việc đến thẳng chuỗi tạp hóa để mua đồ mới sẽ thuận tiện hơn.

Giảng viên Việt Nam thắng cuộc trong thử thách sáng tạo khu vực ASEAN ảnh 1Những cửa hàng di động đến tận nơi để bán đầy các bình chứa cho người dân. (Ảnh: PV)

Điểm khác biệt của Refill Đây là chủ trương kết hợp với các thương hiệu vừa nổi tiếng, có uy tín vừa quen thuộc với mọi người dân đến tận tay người tiêu dùng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ có nhiều người có thể tiếp cận với ý tưởng làm đầy hơn. Qua đó, chúng tôi muốn thay đổi hành vi người tiêu dùng và giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa dùng một lần đang thải ra môi trường,” thầy Nhân cho hay.

Nâng cao nhận thức vì môi trường

Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) lần đầu tiên do UNDP tổ chức đã mời đội dự thi từ các nước ASEAN đến chia sẻ ý tưởng giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường.

Với tư cách là một trong bốn đội thắng cuộc, Refill Đây sẽ nhận được khoản tài trợ 18.000 USD để triển khai sáng kiến ở Vịnh Hạ Long qua chương trình thúc đẩy tác động kéo dài 9 tháng của Impact Aim thuộc UNDP.

“Giải thưởng sẽ tạo cơ hội để chúng tôi có thể kết nối với các nhà đầu tư tác động cũng như các tổ chức phát triển quan trọng khác ở khu vực ASEAN,” thầy Nhân vui vẻ nói.

[Học sinh Hà Nội hào hứng với phong trào thu gom vỏ hộp giấy]

Chia sẻ về kế hoạch triển khai ý tưởng của mình trong thực tế, thầy Nhân cho hay từ tháng 5/2020, mô hình của đã nhận được sự hợp tác và tham vấn của các đối tác chính phủ, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu như RMIT, Unilever, UNDP, KPMG, Vietnam Silicon Valley, Refillables Hội An, Reform Plastic, Hội liên hiệp phụ nữ Vịnh Hạ Long, Thành phố Hồ Chí Minh...

Giảng viên Việt Nam thắng cuộc trong thử thách sáng tạo khu vực ASEAN ảnh 2Refill Đây đang được triển khai tại Hạ Long với các sản phẩm quen thuộc và bình dân. (Ảnh: PV)

Refill Đây đã ra mắt tại khu vực Vịnh Hạ Long vào năm 2020 và được người dân nơi đây đón nhận nhiệt tình. Dự án dự kiến sẽ ra mắt ở Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

“Hiện chúng tôi đang thử nghiệm với các sản phẩm như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, gia vị, thực phẩm khô.... Dự án vẫn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và tối đa hóa tính khả thi để áp dụng rộng rãi hơn tại hai thị trường này,” thầy Nhân nói.

Cũng theo thầy Nhân, trong năm 2021, dự án đang tìm kiếm nguồn tài trợ để phát triển ứng dụng quản lý doanh nghiệp, chạy thử mô hình và truyền thông cho ý tưởng.

Ngoài việc bán hàng lưu động, trong kế hoạch kinh doanh của dự án cũng sẽ triển khai nhiều hình thức bán hàng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân như mở các cửa hàng Refill Đây cố định theo mô hình bán lẻ/sỉ. Dự án cũng sẽ phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ các phường để truyền thông và đặt các điểm làm đầy tại các khu phố nhằm tuyên truyền rộng rãi đến địa phương và tạo việc làm cho người dân địa phương kiếm thêm thu nhập.

“Tầm nhìn trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển nhiều mô hình bán hàng mới lạ khác nhằm đáp ứng thuận lợi nhất nhu cầu của người dân, phát triển dự án ngày càng lớn mạnh và việc thải nhựa ra môi trường sẽ không còn tồn tại,” thầy Nhân cho hay.

Cũng theo thầy Nhân, điều quan trọng nhất dự án mong muốn hướng tới là thông qua việc tái sử dụng đồ nhựa với các cửa hàng làm đầy người dân sẽ nâng cao hơn nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục