Giáo sư Ikebe: Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi giúp thúc đẩy kinh tế

Giáo sư Ryo Ikebe, Đại học Senshu, khẳng định sự kiện Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Hoàng Thái tử Naruhito và vợ. (Nguồn: Reuters)

Ngày 30/4, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị để nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Naruhito.

Dự kiến, Hoàng Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 1/5, với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa).

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp này, giáo sư Ryo Ikebe của Đại học Senshu (Nhật Bản), khẳng định sự kiện có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Giáo sư Ryo Ikebe nhận định theo thông lệ ở Nhật Bản, Nhật hoàng băng hà thì Nhật hoàng mới sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, lần này ở Nhật Bản, khi thời Bình Thành khép lại, Nhật hoàng Lệnh Hòa lên ngôi trong lúc Nhật hoàng Bình Thành (Nhật hoàng Akihito) vẫn khỏe mạnh.

Do đó, người dân Nhật Bản vừa có thể hồi tưởng lại thời Bình Thành, vừa có thể đón triều đại mới với tâm trạng hân hoan.

Giáo sư tin tưởng rằng việc đón Triều đại mới sẽ giúp tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản tăng lên. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, góp phần kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong các doanh nghiệp, triều đại mới Lệnh Hòa cũng làm không khí hoạt động kinh doanh được nâng cao.

[Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Nhật hoàng Akihito]

Về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, giáo sư Ikebe nêu rõ Nhật hoàng là biểu tượng của người dân Nhật Bản, hoàn toàn tách biệt với chính trị. Do đó, dù Nhật hoàng mới lên ngôi, ngoại giao hay chính trị của Nhật Bản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Tuy nhiên, ông hy vọng rằng Nhật hoàng Lệnh Hòa sẽ tiếp bước Nhật hoàng Bình Thành đi tới thăm các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Việc Nhật hoàng đã tới thăm Việt Nam sẽ tạo ra sự thân thuộc giữa nhân dân hai nước. Theo ông, việc người dân Việt Nam chào đón Nhật hoàng mới sẽ là cơ hội để người dân hai nước cùng mở ra một thời đại mới, một Nhật Bản mới.

Theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và biểu tượng của hòa hợp dân tộc.” Do đó, Nhật hoàng mới lên ngôi chắc chắn sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chính trị, đồng thời sẽ có những hoạt động biểu tượng cho sự hòa hợp của người dân Nhật Bản. Đó là việc chào đón các vị khách nước ngoài, thăm các nước trên thế giới, dự các hoạt động văn hóa, thăm hỏi những khu vực bị thiên tai thảm họa.

Theo kế hoạch, lễ thoái vị của Nhật Hoàng Akihito bắt đầu từ 17 giờ ngày 30/4 theo giờ địa phương. Khoảng 300 khách mời đại diện từ 195 quốc gia sẽ tham dự sự kiện. Sau lễ đăng quang, tân Nhật Hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của người dân lần đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục