Giao tranh tại Sudan: Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc

Ngày 22/5, đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan tuyên bố tình hình bất ổn tại Sudan đang khiến nguy cơ xung đột sắc tộc ngày càng tăng, có khả năng gây ra những tác động sâu rộng với khu vực.
Cảnh vẳng vẻ tại một tuyến đường ở Khartoum, Sudan ngày 17/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan, ông Volker Perthes cảnh báo giao tranh ở Sudan có thể biến thành xung đột sắc tộc, nếu các bên tham chiến không tôn trọng lệnh ngừng bắn.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/5, ông Perthes tuyên bố tình hình bất ổn tại Sudan đang khiến nguy cơ xung đột sắc tộc ngày càng tăng và có khả năng gây ra những tác động sâu rộng đối với khu vực.

Nhận định trên của ông Perthes được đưa ra vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn giữa hai phe tham chiến tại Sudan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/5 và kéo dài trong 1 tuần.

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Sudan, đã có những dấu hiệu cho thấy cuộc giao tranh đang đe dọa chia cắt đất nước Đông Phi này theo các ranh giới sắc tộc và cộng đồng.

Ông khẳng định những diễn biến này chỉ mới hình thành gần đây và ở một số vùng của đất nước, giao tranh giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã trở thành căng thẳng cộng đồng hoặc gây ra xung đột giữa các cộng đồng.

[Giao tranh tại Sudan: Các bên xung đột nhất trí ngừng bắn 7 ngày]

Theo quan chức Liên hợp quốc, các dấu hiệu cảnh báo về việc lôi kéo sự tham gia của các bộ lạc vào các cuộc giao tranh cũng được báo cáo ở một số vùng của đất nước, đặc biệt là ở Nam Kordofan.

Sau khi thiết lập một lệnh ngừng bắn ổn định, ưu tiên số hai của Liên hợp quốc là “ngăn chặn bạo lực leo thang” và kiềm chế nguy cơ giao tranh biến thành xung đột sắc tộc.

Ông Perthes hoan nghênh lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày giữa các phe phái Sudan đạt được vào ngày 20/5 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ 21h45 ngày 22/5 theo giờ địa phương (tức 2h45 ngày 23/5 theo giờ Hà Nội).

Đặc phái viên Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn này, nhằm cho phép các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ thiết yếu và sơ tán thường dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc, cuộc xung đột tại Sudan bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4 vừa qua đã khiến hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán hoặc di tản sang các nước láng giềng. Khoảng 860 người đã bị thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan ngày 14/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng trong ngày 22/5, Libya tuyên bố nước này hoan nghênh các bên tại Sudan đạt thỏa thuận gia hạn lệnh đình chiến và tiếp tục đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn cuối cùng.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, Bộ Ngoại giao của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc ở Libya đã ra tuyên bố đề cao những nỗ lực của Saudi Arabia và Mỹ, dẫn đến việc ký kết thỏa thuận cho phép chuyển hàng cứu trợ và viện trợ nhân đạo, giúp khôi phục các dịch vụ cơ bản, đồng thời nỗ lực chấm dứt khủng hoảng và xoa dịu tình hình tại Sudan.

Bộ trên cũng bày tỏ hy vọng rằng các bên của Sudan sẽ tiếp tục hưởng ứng mọi nỗ lực kêu gọi chấm dứt thù địch trong hòa bình và kéo dài vĩnh viễn; đồng thời hy vọng tất cả các phe phái cũng như lực lượng chính trị của Sudan sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp nhằm giúp đạt được sự ổn định lâu dài và khôi phục an ninh ở quốc gia Đông Phi này.

Mặc dù vậy, giao tranh vẫn nổ ra tại thủ đô Khartoum vào tối 22/5, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được. Cư dân ở ngoại ô phía Đông Bắc Khartoum đã báo cáo về các cuộc đụng độ. Trong khi đó, ở phía Nam thủ đô của Sudan, người dân cũng nghe thấy tiếng nổ từ các cuộc không kích, sau thời điểm lệnh ngừng bắn bắt đầu đi vào thực thi.

Vào cuối buổi chiều 22/5, Liên hợp quốc ghi nhận các cuộc giao tranh và hoạt động chuyển quân, trong khi cả hai bên cam kết không tìm cách tận dụng lợi thế quân sự trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực.

Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã bị vi phạm, thỏa thuận lần này sẽ được củng cố bởi một cơ chế giám sát có sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục