Gìn giữ quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Chile
Việt Nam và Chile nằm hai bên bờ Thái Bình Dương, vị trí địa lý xa xôi nhưng tình cảm giữa hai nước ngày càng trở nên gắn bó nhờ sự gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế, tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Chile Michelle Bachelet thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 25/3/1971, Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trải qua nửa thế kỷ, tuy xa cách về địa lý, Việt Nam và Chile vẫn giữ gìn quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống tốt đẹp, là đối tác toàn diện phát triển nhiều lĩnh vực.
Người bạn, người đồng chí thủy chung
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về quan hệ đối tác toàn diện và tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Chile tại Việt Nam Gonzalo Guaiquil nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Chile đã được Tổng thống Chile Salvador Allende và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, vun đắp.
Tháng 5/1969, giữa những ngày tháng chiến tranh ác liệt, Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende đã tới Hà Nội, trở thành vị chính khách nước ngoài cuối cùng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa.
Chuyến thăm này đã có tác động rất lớn đến Salvador Allende và sau này, khi giữ vai trò Tổng thống Chile, ông đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Salvador Allende được biết đến như một biểu tượng của phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng thời là người bạn, người đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.
Theo Đại biện Gonzalo Guaiquil, Việt Nam và Chile nằm hai bên bờ Thái Bình Dương, vị trí địa lý xa xôi nhưng tình cảm giữa hai nước ngày càng trở nên gắn bó hơn nhờ sự gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế, tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Mở rộng hợp tác
Theo ông Gonzalo Guaiquil, Việt Nam và Chile là hai quốc gia có nền kinh tế mở. Việc Chile là quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam (ngày 11/11/2011) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong trao đổi hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa hai nước.
Ông Gonzalo Guaiquil bày tỏ vui mừng trước những cơ hội mà FTA mang lại cho cả hai bên. Kể từ khi thực thi FTA giữa hai nước từ tháng 1/2014, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chile trong năm 2020 vượt 1 tỷ USD dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tăng hơn 1% so với năm 2019. Các số liệu này thể hiện quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước phát triển không ngừng, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn.
Đại biện lâm thời Gonzalo Guaiquil khẳng định dù chịu tác động không nhỏ từ COVID-19, Việt Nam vẫn nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng trong năm 2020; là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Chile. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Chile, những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước không chỉ phát triển trong lĩnh vực kinh tế, thương mại mà còn mở rộng ở nhiều khía cạnh khác như văn hóa, chính trị và du lịch.
Thỏa thuận miễn thị thực du lịch được ký kết giữa hai nước từ năm 2016, có hiệu lực từ tháng 8/2017 tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero Espinoza chứng kiến Lễ ký kết biên bản Phiên họp lần thứ III Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam-Chile, trong chuyến thăm chính thức Chile năm 2018. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Số liệu thống kê cho thấy Chile là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng từ 170 triệu USD năm 2005 lên 1,23 tỷ USD năm 2019, tăng 12,95% so với năm 2018. Việt Nam xuất khẩu sang Chile chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, sản phẩm dệt may, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và linh kiện điện tử, ximăng, cà phê, gạo...; nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang từ quốc gia Nam Mỹ này.
Chile là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hawai, Mỹ vào tháng 11/2011.
Ngày 1/1/2014, FTA giữa Việt Nam và Chile chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong hợp tác thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng đã tổ chức các Phiên họp lần I và lần II Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam-Chile.
Đại biện lâm thời Gonzalo Guaiquil cho biết Chile mong muốn tăng cường hợp tác, trao đổi thương mại hai bên đối với các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước như rượu vang, quả anh đào của Chile hay các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam./.
Chile không chỉ là một thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam mà còn là cầu nối để hàng hóa Việt Nam đến với cả khu vực Mỹ Latinh rộng lớn.
Thứ trưởng Quan hệ Kinh tế Quốc tế Chile Rodrigo Yáñez khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Chile trong việc mở rộng quan hệ với các nước thành viên ASEAN.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại song phương, hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
“Cô bé đến từ những vì sao,” “Ngước mắt thấy mặt trăng,” “Chuyện của Mặt trăng” là ba tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của nhà văn Chile Roberto Fuentes được dịch sang tiếng Việt.